Quan chức thời cổ đối đãi nhân nghĩa với người khác. Nguồn: Secret China.
“Ai mà chả ăn hối lộ”, “Anh ngồi vào vị trí đó thì có tham nhũng không”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”… đã trở thành những câu nói phát tán rộng rãi trong dư luận hiện nay. Trong thời kỳ đạo đức xã hội suy đồi, những câu nói đó thậm chí đã trở thành phương châm của những người thực thi công quyền.
Tuy nhiên, vào thời cổ đại, nơi mà phong thái đạo đức cao thượng, các giai tầng đều kính sợ Trời Phật, lấy nhân quả làm lẽ răn mình, thì không hề thiếu những tấm gương quan chức nghiêm cẩn liêm khiết, nhân nghĩa chính trực. Thậm chí trong môi trường dễ khuất tất như hành pháp, tư pháp cũng có nhiều người làm được bốn chữ “chí công vô tư”, qua đó mà đắc phúc, hơn nữa còn có người đắc Đạo.
Diệu Thời Khả không thừa nước đục thả câu, nhờ đó đắc phúc báo
Thời Tống có một viên ngục lại là Diệu Thời Khả. Lúc đó, có một người họ Trương là em họ của tể tướng Trương Bang Xương bị bắt vì tội danh kết bè mưu phản. Cả nhà họ Trương đều bị tống ngục.
Một ngày nọ, họ Trương nói với Diệu Thời Khả: “Tôi thấy rằng phen này chắc chắn phải chết. Vốn tôi có một số vàng giấu kín trong nhà. Ngài có thể đi lấy số vàng ấy rồi bí mật mua giúp tôi thuốc độc. Khi phán quyết triều đình tới, cả nhà tôi sẽ dùng thuốc độc tự tận. Hậu sự cũng xin phó thác nơi ngài.”
Diệu Thời Khả an ủi ông ta rằng: “Hiện giờ triều đình đang đề cao chính sách nhân từ, hầu hết các vụ án sẽ được xử lý khoan dung. Tôi nhất định sẽ nghe ngóng tin tức cho ông. Nếu đúng là không thể tha tội, thì thực thi kế kia cũng chưa muộn.”
Về sau quả thật điều tra ra họ Trương không tham gia mưu phản và được phóng thích. Họ Trương rất biết ơn Diệu Thời Khả vì đã cứu giúp gia đình, muốn tặng cho ông một trăm lượng vàng. Diệu Thời Khả cự tuyệt không nhận.
Sau sự việc này, Diệu Thời Khả đang từ không có con trai mà liên tiếp sinh được tám người con trai. Tám người con trai này đều có tài, nối nhau đỗ đạt thành danh.
Vương Tư Mẫn giải oan cho người bị hãm hại
Thời Minh có Vương Tư Mẫn làm việc tại huyện nha Hoàng Nham. Bấy giờ có một người bị vu cáo tội trộm cướp và bị bắt giam. Vương Tư Mẫn biết rằng người này bị oan, bèn biện bạch cho ông ta trước mặt huyện lệnh. Sau đó huyện lệnh đã phóng thích người vô tội này.
Sau đó Vương Tư Mẫn tham gia khoa thi tuyển chọn quan viên và được thăng làm phán quan Thái Châu. Năm đó Thái Châu có lũ lớn, quan ngự sử đến vùng thiên tai tuần tra. Vương Tư Mẫn cầm cuốn sổ rất dày đề tên những người dân bị đói, đi tìm ngự sử, xin được cứu tế. Ngự sử không đồng ý, Vương Tư Mẫn bèn ôm danh sách đó nhảy xuống sông tuẫn tiết. Ngự sử thất kinh, vội vàng sai người vớt ông lên và đồng ý mở kho cứu tế.
Sau này Vương Tư Mẫn về quê lo chuyện tang sự. Một hôm, khi đang đi khắp nơi tìm kiếm mảnh đất làm mộ phần, ông tìm được một nơi có phong thủy rất tốt. Đột nhiên ông gặp lại người trước kia bị hàm oan, từng được ông phóng thích. Người đó vội vàng chạy tới chào hỏi ông: “Đây chẳng phải Vương đại ân nhân sao, ngài làm gì ở đây vậy?”
Vương Tư Mẫn bèn kể lại sự tình, nói rằng mình đang tìm một mảnh đất tốt làm mộ phần cho cha, cảm thấy mảnh đất trước mặt rất phù hợp. Không ngờ người đó nói: “Ngọn núi này là của nhà tôi. Tôi được nhận ân đức tái sinh của ngài, thì có tiếc gì mảnh đất này.”
Thế là Vương Tư Mẫn dời mộ của phụ thân tới nơi đó.
Sau này cháu của Vương Tư Mẫn đỗ tiến sĩ, làm quan tới chức Tham chính. Chắt Vương Đình Chiêm làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hình, chắt Vương Đình Đống làm quan tới chức Hàn lâm. Con cháu đời sau của Vương Tư Mẫn đời nào cũng có người vinh danh bảng vàng.
Hà Tỷ Can làm việc thiện, hậu duệ nối nhau đỗ đạt
Thời Tây Hán có Hà Tỷ Can, tự Thiếu Khanh, từng làm Huyện lệnh Nhữ Âm, Đô úy Đan Dương, đến thời Hán Vũ Đế thì làm đến chức Đình úy, tức đứng đầu bộ tư pháp.
Hà Tỷ Can chủ trương pháp trị, nhưng không lạm dụng hình phạt. Những người bị oan được ông lấy lại công bằng, cứu sống, lên đến hàng ngàn người. Khi xét xử các vụ án, ông rất coi trọng chứng cứ và nghiên cứu điều tra. Những vụ án được ông xét xử, không có một phạm nhân nào kêu oan, sử sách ca ngợi ông là “trong ngục không có tù oan”. Do ông chấp pháp công chính, được người dân yêu mến, tôn xưng là Hà Công.
Năm Trưng Hòa 3 thời Hán Vũ Đế, lúc đó Hà Tỷ Can đã từ quan về nhà. Có một ngày trời đổ mưa lớn, ông đang nằm xem sách thì ngủ thiếp đi, mộng thấy khách quý và xe ngựa đứng đầy trước sân. Khi tỉnh dậy, ông kể giấc mộng này với vợ. Còn chưa kể hết thì từ ngoài cổng có một bà lão, thỉnh cầu xin vào nhà tránh mưa. Khi đó mưa rất lớn, y phục và giày của bà lão đều ướt sũng.
Sau khi mưa tạnh, Hà Tỷ Can tiễn bà lão ra cổng. Bà lão nói với Hà Tỷ Can rằng: “Ông có âm đức, nay được Thượng Thiên ban phúc, con cháu ngày sau hưng thịnh phát đạt, làm rạng rỡ tổ tông”.
Đoạn bà lão lấy một thứ giống như sách thẻ tre đưa ra, dài 9 tấc, tổng cộng có 990 thẻ, đưa cho Hà Tỷ Can, rồi nói: “Con cháu đời sau của ngài được đeo quan ấn, sẽ nhiều như số thẻ tre này”.
Say này, con cháu các đời sau của Hà Tỷ Can quả nhiên như bà lão đã nói, đại đa số đều phú quý hiển đạt.
Phạm Công nhân hậu, đắc Đạo thành Tiên
Vào những năm Khánh Nguyên thời vua Ninh Tông nhà Nam Tống, tại Xứ Châu có một vị nha dịch họ Phạm, được tôn xưng là Phạm Công. Huyện lệnh thời bấy giờ khi tra án, thường lạm dùng hình phạt, theo lệ phải đánh phạm nhân bằng gậy đến khi thấy máu bật ra mới dừng. Phạm Công lòng dạ nhân từ, bèn nghĩ ra cách đổ máu động vật vào trong những ống hẹ tây rồi dán lên gậy, như thế rất nhanh chóng sẽ thấy máu bật ra, cũng nhờ vậy mà rất nhiều phạm nhân giữ được thân thể, sinh mạng.
Một ngày nọ, huyện lệnh nhìn thấy Phạm Công đi lại mà chân lơ lửng cách mặt đất ba thước. Huyện lệnh vô cùng kinh ngạc, biết ông không phải người phàm, liền vội vàng tiến tới hỏi han. Phạm Công liền kể cho huyện lệnh việc mình âm thầm giúp đỡ người khác thế nào, cảm hóa huyện lệnh. Sau đó Phạm Công phiêu đãng rời đi đến núi Bạch Hạc, dựng lều chuyên tâm tu hành. Cuối cùng, vào ngày ông thành tựu, có Thần tích triển hiện. Ông đội cối đá nghìn cân trên đầu, leo lên đỉnh núi, sau đó biến hình thành Tiên bay về Trời. Mọi người xưng tụng ông là “Phạm Công Thánh Tiên”, cầu nguyện với ông có nhiều linh nghiệm. Thời Minh có tăng nhân Phổ Hiệp, viết bài thơ “Tống cao sám thủ hoàn Việt”, trong đó có câu “Phạm Công thử địa tích do tồn – Vi ngã trọng khai sám hối môn” (Vẫn còn dư âm Phạm Công nơi đất này – Mở lại cửa sám hối cho tôi).
Ác báo dành cho các quan chức hình pháp, tư pháp tàn ác
Tất nhiên ngoài các tấm gương tốt, trong lịch sử cũng có các tấm gương xấu làm tham chiếu.
Cùng thời với vị quan nhân từ Hà Tỷ Can kể trên, có một vị quan tư pháp đồng cấp rất ác nghiệt là Trương Thang.
Thời bé khi bị cha đánh vì để chuột ăn vụng thịt, Trương Thang đã đi đào hang bắt con chuột lên, đem số thịt còn sót lại trong hang ra làm bằng chứng tra khảo, tuyên án.
Đến khi lớn lên làm quan, Trương Thang thường đề xuất những sắc lệnh hà khắc mà đỉnh điểm vô lý là “phúc phỉ tội”, tức tội “oán hận ngầm”.
Việc bắt đầu từ một lần Trương Thang cùng Hán Vũ Đế nghiên cứu ra loại tiền “da hươu trắng” đánh lên vương công quý tộc. Tức các vương công quý tộc vào Trường An triều kiến hoàng đế, thì phải mua các tấm da hươu trắng, tựa như mua vé tham quan ngày nay, với giá 40 vạn tiền. Hán Vũ Đế trưng cầu ý kiến quan nông lệnh Nhan Dị, Nhan Dị kiến nghị: “Vương hầu vào dâng cả nghìn ngọc bích, mà lại bắt họ mua tấm da 40 vạn, e là không hợp lý.”
Vũ Đế nghe xong thì mất hứng, còn Trương Thang thì ghi thù với Nhan Dị.
Về sau có người tố cáo Nhan Dị, Vũ Đế sai Trương Thang điều tra. Trương Thang nói rằng Nhan Dị tiếp khách ở nhà, nghe khách nói lời phàn nàn về chính sự, tuy không bày tỏ ý kiến nhưng có nhếch mép, ấy tức là oán hận ngầm, xử chết.
Gieo nhân ắt gặt quả, ác báo đến với Trương Thang từ chính những quan chức giống như ông ta.
Năm Nguyên Đỉnh 2 thời Vũ Đế, có kẻ trộm mộ Hán Hiếu Văn Đế, Vũ Đế liền hạ lệnh cho Trương Thang điều tra. Trương Thang định nhân cơ hội quy tội cho đối thủ là Thừa tướng Trang Thanh Địch. Không ngờ Trang Thanh Địch liên thủ với đám Trưởng sử Chu Mãi Thần, Vương Triêu, Biên Thông… – cũng là những quan lại gian ác và có thù với Trương Thang – tố ngược lại Trương Thang làm ăn mờ ám với thương nhân Điền Tín. Vũ Đế nửa tin nửa ngờ.
Sau đó một viên ác quan khác là Giảm Tuyên vu cáo Trương Thang lập mưu hại chết quan Ngự sử Trung thừa Lý Văn. Vũ Đế giao cho quan Ngự sử Trung thừa Triệu Vũ điều tra. Triệu Vũ trách Trương Thang: “Ông còn chưa biết tội ư. Ông đã hại chết bao người rồi?”.
Trương Thang bị ép phải tự sát.
Về sau thấy vụ án của Trương Thang có điều khuất tất, Hán Vũ Đế lại xử tử hết một lượt đám quan gian ác vu cáo ông ta.
Câu chuyện và bài học thời Hán này cũng rất tương tự câu chuyện “mời ngài vào chum” thời Đường, khi ác quan Lại Tuấn Thần sử dụng chính ý tưởng tra tấn (đốt nóng chum, bắt nghi phạm vào ngồi trong) của ác quan Chu Hưng để dọa nạt và bắt Chu Hưng nhận tội. Về sau Lại Tuấn Thần và phe cánh của ông ta cũng lại bị xử chết.
Qua những câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy thiện ác hữu báo là thiên lý, mà môi trường khắc nghiệt, hắc ám lại càng là nơi thử thách, tinh luyện con người ta. Có thể vượt thoát ra, thì đắc chánh quả cũng không ai dám dị nghị, còn như bản thân chịu nhận ô nhiễm, nhuộm đen, cuốn theo dòng, thì dẫu bị kẻ khác vu oan giá họa cũng là gậy ông đập lưng ông, chẳng thể oán trách chi.
Hữu Đức
NTD Việt Nam