Mô tả của nghệ sĩ về Hành tinh thứ Chín như một khối băng khổng lồ che khuất trung tâm hệ Ngân Hà, với Mặt trời giống như một ngôi sao ở phía xa. (Ảnh: Wikimedia)
Hệ Mặt trời của chúng ta là một nơi khá nhộn nhịp. Có hàng triệu vật thể – từ hành tinh, mặt trăng, sao chổi và tiểu hành tinh – chuyển động xung quanh. Và mỗi năm chúng ta đều khám phá ra ngày càng nhiều vật thể (thường là các tiểu hành tinh nhỏ hoặc sao chổi có tốc độ nhanh) coi hệ Mặt trời là nhà.
Các nhà thiên văn học đã tìm thấy tất cả 8 hành tinh chính trong hệ Mặt trời vào năm 1846. Nhưng điều đó không ngăn cản việc tìm kiếm thêm. Trong 100 năm qua, chúng ta đã tìm thấy các thiên thể nhỏ hơn ở xa mà chúng ta gọi là các hành tinh lùn, thứ mà ngày nay chúng ta phân loại sao Diêm Vương là một trong số đó.
Việc phát hiện ra một số hành tinh lùn này đã cho chúng ta lý do để tin rằng có thể có thứ gì đó khác đang ẩn nấp ở vùng ngoại vi của hệ Mặt trời.
Liệu có thể có Hành tinh thứ Chín?
Có một lý do chính đáng để các nhà thiên văn học dành nhiều giờ để cố gắng xác định vị trí “Hành tinh thứ Chín” hay còn được gọi là “Hành tinh X”. Đó là vì hệ Mặt trời như chúng ta biết không thực sự hợp lý nếu không có nó.
Mọi vật thể trong hệ Mặt trời của chúng ta đều quay quanh Mặt trời. Một số di chuyển nhanh và một số di chuyển chậm, nhưng tất cả đều di chuyển tuân theo định luật hấp dẫn mà theo đó, mọi thứ có khối lượng đều có lực hấp dẫn và cái gì càng nặng thì lực hấp dẫn của nó càng mạnh.
Lực hấp dẫn của một hành tinh lớn đến mức nó ảnh hưởng đến cách mọi thứ di chuyển xung quanh. Lực hấp dẫn của Trái đất đã giữ mọi thứ trên mặt đất.
Ngoài ra, Mặt trời của chúng ta có lực hấp dẫn lớn nhất so với bất kỳ vật thể nào trong hệ Mặt trời và về cơ bản, đây là lý do tại sao các hành tinh quay quanh nó.
Nhờ hiểu biết của chúng ta về lực hấp dẫn mà chúng ta đã có được manh mối quan trọng nhất về khả năng có Hành tinh thứ Chín.
Quỹ đạo bất thường
Khi chúng ta quan sát các vật thể ở rất xa, chẳng hạn như các hành tinh lùn ngoại trừ sao Diêm Vương, chúng ta thấy quỹ đạo của chúng hơi bất thường. Chúng di chuyển trên quỹ đạo hình elip (hình bầu dục) rất lớn, được nhóm lại với nhau và tồn tại trên một mặt phẳng nghiêng so với phần còn lại của hệ Mặt trời.
Khi các nhà thiên văn học sử dụng máy tính để lập mô hình lực hấp dẫn giúp các vật thể này có thể chuyển động như trên, họ thấy rằng cần phải có một hành tinh có khối lượng ít nhất gấp mười lần Trái đất để gây ra điều đó.
Nhưng câu hỏi là: hành tinh này ở đâu?
Vấn đề chúng ta gặp phải bây giờ là cố gắng xác nhận xem những dự đoán của mô hình này có đúng không. Cách duy nhất là tìm ra Hành tinh Chín, và điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó.
Cuộc săn lùng vẫn tiếp tục
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã săn lùng bằng chứng hữu hình về Hành tinh thứ Chín trong nhiều năm.
Dựa trên các mô hình máy tính, chúng ta biết được rằng Hành tinh thứ Chín cách xa Mặt trời ít nhất 20 lần so với sao Hải Vương. Các nhà khoa học cố gắng phát hiện nó bằng cách tìm kiếm ánh sáng mặt trời mà nó có thể phản chiếu – giống như cách Mặt trăng tỏa sáng vào ban đêm.
Tuy nhiên, vì Hành tinh thứ Chín nằm cách xa Mặt trời nên nó rất mờ nhạt và khó phát hiện ngay cả với những kính thiên văn tốt nhất trên Trái đất. Ngoài ra, chúng ta không thể tìm kiếm nó vào bất kỳ thời gian nào trong năm.
Chúng ta chỉ có những cơ hội nhỏ để phát hiện ra nó về đêm, khi các điều kiện phù hợp. Cụ thể, chúng ta phải đợi một đêm không có Mặt trăng, và vị trí mà chúng ta đang quan sát hướng về phía bên phải của bầu trời.
Hi vọng rằng trong thập kỷ tới, khi các kính viễn vọng mới được chế tạo và các cuộc khảo sát mới về bầu trời bắt đầu tiến hành, thì chúng ta sẽ có cơ hội để chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của Hành tinh thứ Chín.
Theo Science Alert
Văn Thiện biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam