Các chuyên gia đã phát hiện ra chuẩn mặt trăng, có tên gọi là 2023 FW13, thông qua việc sử dụng kính viễn vọng Pan-STARRS trên đỉnh núi lửa Haleakala ở Hawaii. (Ảnh minh họa: Wikipedia)
Một nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng Trái đất có một mặt trăng mới – hoặc ít nhất là “chuẩn mặt trăng” (quasi-moon), một tảng đá không gian quay quanh Trái đất, nhưng bị chi phối chủ yếu bởi lực hấp dẫn của Mặt trời.
Các chuyên gia đã phát hiện ra chuẩn mặt trăng này, có tên gọi là 2023 FW13, thông qua việc sử dụng kính viễn vọng Pan-STARRS trên đỉnh núi lửa Haleakala ở Hawaii. Họ cho rằng người bạn đồng hành vũ trụ cổ xưa này đã ở gần Trái đất từ năm 100 trước Công nguyên và sẽ tiếp tục quay quanh hành tinh của chúng ta trong ít nhất 1.500 năm nữa, cho đến năm 3700 sau Công nguyên.
May mắn là cả 2023 FW13 hay một chuẩn mặt trăng tương tự có tên 469219 Kamoʻoalewa đều không được cho là gây nguy hiểm cho con người trên Trái đất.
Các chuẩn mặt trăng, còn được gọi là “chuẩn vệ tinh”, thường trông có vẻ như đang quay quanh hành tinh của chúng ta giống như Mặt trăng. Nhưng chúng được đặt tiền tố “chuẩn” vì chúng bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn với Mặt trời chứ không phải Trái đất, thay vì ngược lại như trường hợp của Mặt trăng.
2023 FW13 khác với Mặt trăng vì nó quay quanh bên ngoài “quyển Hill” (Hill sphere), khu vực xung quanh Trái đất, nơi lực hấp dẫn của hành tinh này là lực chủ đạo giữ các vệ tinh. Quyển Hill của Trái đất có bán kính 1,5 triệu km, trong khi bán kính từ Trái đất đến 2023 FW13 lớn hơn một chút – khoảng 2,6 triệu km.
Alan Harris, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Vũ trụ ở Boulder, Colorado, Hoa Kỳ, nói với Sky & Telescope: “Kích thước quỹ đạo của 2023 FW13 – với bán kính khoảng 0,18 đơn vị thiên văn – lớn đến mức Trái đất về cơ bản không đóng vai trò gì trong chuyển động của nó”.
Harris cho biết thêm: “[2023 FW13] không liên quan gì đến Trái đất ngoài trừ việc tình cờ”.
PanSTARRS quan sát thấy 2023 FW13 lần đầu tiên vào ngày 28/3 trước khi một số kính thiên văn khác xác nhận sự tồn tại của nó.
Mặc dù kích thước của 2023 FW13 chưa được xác nhận, chuyên gia về tiểu hành tinh Richard Binzel ước tính nó có đường kính khoảng 10 đến 15 mét. Kích thước này rất nhỏ so đường kính Mặt trăng, 3.474,8 km (mặc dù một Mặt trăng được phân loại như vậy vì các đặc điểm quỹ đạo của nó chứ không phải kích thước của nó).
Thời gian 2023 FW13 đi hết một vòng quanh Mặt trời gần giống với Trái đất – 365,42 ngày (1,0005 năm Trái đất).
Trái đất có một số bạn đồng hành vũ trụ đã biết, nhiều trong số đó là chuẩn vệ tinh, tuy nhiên 2023 FW13 đã chứng minh rằng, có lẽ còn nhiều vật thể tương tự chưa được khám phá. Các chuẩn vệ tinh thường đi theo một quỹ đạo “ổn định” quanh Trái đất trong hơn vài thập kỷ trước khi rời khỏi quỹ đạo của hành tinh.
Tuy nhiên, nhà thiên văn nghiệp dư Tony Dunn cho biết 2023 FW13 rất đặc biệt vì nó sẽ ở trạng thái “chuẩn vệ tinh” trong nhiều thế kỷ và sẽ duy trì như vậy “trong nhiều thế kỷ nữa” .
PanSTARRS cũng từng phát hiện một chuẩn vệ tinh nổi tiếng khác được gọi là 469219 Kamoʻoalewa hoặc 2016 HO3 vào tháng 4/2016. Theo Renu Malhotra, một chuyên gia đến từ Đại học Arizona, 469219 Kamoʻoalewa, có đường kính lên tới 100 mét, sẽ tồn tại trong quỹ đạo này trong khoảng 300 năm tới.
Malhotra là tác giả của một nghiên cứu gần đây cho thấy 469219 Kamoʻoalewa có thể là một mảnh vỡ cổ xưa của Mặt trăng. Phân tích ánh sáng phản xạ từ tảng đá không gian này cho thấy nó được làm từ cùng chất liệu với khoáng chất trong đá Mặt trăng từ các sứ mệnh Apollo của NASA.
Theo Daily Mail
Văn Thiện biên dịch
NTD Việt Nam