Ngô Khởi giết vợ cầu danh. (Tranh Thanh Phong – NTDVN)
(Tóm tắt: Ngụy Văn Hầu trọng dụng Nhạc Dương chinh phục nước Trung Sơn ở phía bắc nước Triệu, bổ nhiệm Tây Môn Báo cai quản Nghiệp Thành ở phía nam nước Triệu. Lúc này, Ngụy Văn Hầu chuyển sự chú ý sang nước Tần ở phía tây. Ngụy quốc lúc bấy giờ nằm ở bờ đông sông Hoàng Hà. Ở bờ phía đông, đoạn sông Hoàng Hà giáp với nước Tần được gọi là vùng Tây Hà. Năm 419 TCN, nước Ngụy vượt sông Hoàng Hà về phía tây và xây dựng thành Thiếu Lương, làm căn cứ quân sự tấn công nước Tần. Mặc dù nước Tần đã cố gắng hết sức để chống cự nhưng nước Ngụy vẫn chiếm lĩnh Thiếu Lương. Để giao tranh với nước Tần, Ngụy Văn Hầu cần khẩn trương tìm kiếm một vị tướng giỏi, ông cũng hỏi ý kiến của Trạch Hoàng, người đã tiến cử Nhạc Dương và Tây Môn Báo, để hỏi xem ai có thể đảm đương được nhiệm vụ quan trọng này).
Ngô Khởi giết vợ cầu danh
Lần này Trạch Hoàng tiến cử Ngô Khởi cho Ngụy Văn Hầu. Ngô Khởi là một vị tướng rất nổi tiếng. Chúng ta biết rằng Tư Mã Thiên đã viết chung tiểu sử về Tôn Vũ và Ngô Khởi trong “Sử ký” vì ông cho rằng Ngô Khởi có thể so sánh với Tôn Vũ trong việc dụng binh đánh trận. Nhưng phẩm hạnh đạo đức của Ngô Khởi rất có vấn đề. Lý Khôi cho rằng Ngô Khởi rất tham lam và dâm đãng, nhưng về mặt dụng binh đánh trận, thì ngay cả Tư Mã Nhương Thư, vị tướng nổi tiếng của nước Tề, cũng không thể so sánh được.
Ngô Khởi có một câu chuyện rất nổi tiếng là ‘Giết vợ cầu danh’. Ngô Khởi là người nước Vệ, một nước nhỏ. Khi còn nhỏ gia đình của Ngô Khởi rất giàu có. Lúc lớn lên, ông dùng tiền của gia đình để tìm kiếm một chức quan, đi khắp nơi cầu công danh nhưng không thành. Mọi người trong làng đều cười nhạo, kết quả là Ngô Khởi đã giết chết hơn 30 người trong cơn thịnh nộ, sau đó ông từ biệt mẹ rời khỏi nhà. Cách chia tay của ông rất đặc biệt, dùng răng cắn vào cánh tay mình cho đến khi chảy máu, rồi nói với mẹ, nếu con không thể đứng vào hàng khanh tướng, tức là đạt được chức tước cao nhất, con sẽ không về gặp mẹ. Sau đó ông giã biệt mẫu thân và rời khỏi nước Vệ.
Nơi đầu tiên ông đến là nước Lỗ, học Nho của thầy Tăng Sâm, một nhà Nho lớn lúc bấy giờ, là học trò của Khổng Tử. Ngô Khởi rất hiếu học và ban đầu Tăng Sâm cũng quý ông. Sau đó, Tăng Sâm phát hiện ra rằng Ngô Khởi đã ba năm liên tục không trở về nhà, điều này rất kỳ lạ. Tăng Sâm hỏi, mẹ trò chắc chắn sẽ nhớ trò rất nhiều đó, tại sao trò không về nhà thăm mẹ?
Ngô Khởi cho biết, ông đã thề khi rời xa mẹ, rằng nếu không đứng vào hàng khanh tướng, thì sẽ không bao giờ quay trở lại.
Tăng Sâm rất ghét câu nói này, ông nói rằng một người có thể thề độc với người khác, nhưng làm sao lại có thể thề độc với chính mẹ mình như vậy?
Từ đó trở đi Tăng Sâm lạnh nhạt dần với Ngô Khởi.
Không lâu sau, có tin mẹ của Ngô Khởi qua đời vì bạo bệnh. Khi đó, Ngô Khởi ngẩng đầu lên trời khóc lên ba tiếng, sau đó lập tức lau nước mắt, ngồi xuống và lại tiếp tục đọc sách như không có chuyện gì xảy ra.
Chúng ta biết rằng, Nho giáo rất coi trọng đạo hiếu. Tăng Sâm nói rằng: Hiếu là cái gốc làm người, nếu cây không có gốc thì sẽ gãy, nếu một người không có gốc thì nhất định không có kết cục tốt đẹp, ta không có loại học trò như Ngô Khởi, Ngô Khởi đã học nhiều năm như vậy, nhưng thậm chí còn chưa học được lòng hiếu thảo, vậy dạy dỗ có ích gì?
Vì vậy Tăng Sâm từ đó không bao giờ gặp mặt Ngô Khởi nữa.
Ngô Khởi cảm thấy mình không có tiền đồ gì trong việc học Nho, nên chuyển sang nghiên cứu binh pháp. Ngô Khởi rất có tài ăn nói, có thể đàm luận thao thao bất tuyệt.
Khi đó, có một vị đại phu tên là Điền Cư đến từ nước Tề. Khi đến nước Lỗ, ông đã nói chuyện với Ngô Khởi và nhận thấy Ngô Khởi thực sự rất hiếu học lại có tài hùng biện, cho đây là một người rất tài năng nên Điền Cư đã gả con gái của mình cho Ngô Khởi. Sau đó, Ngô Khởi được Công Nghi Hưu tiến cử và trở thành quan đại phu ở nước Lỗ.
Lúc này nước Tề tấn công nước Lỗ, vua nước Lỗ đang chọn tướng lĩnh để lãnh đạo quân đội. Nước Tề là nước lớn, nước Lỗ là nước nhỏ. Có người tiến cử Ngô Khởi, nhưng vua Lỗ không đồng ý. Cuối cùng, Ngô Khởi đích thân đến hỏi nhà vua tại sao không thể giao quyền cầm quân cho ông. Vua Lỗ nói: Ta có lo lắng, bởi vì vợ khanh là người nước Tề, khi đánh trận, làm sao có thể bỏ qua tình cảm của vợ?
Ngô Khởi nói: Đó là mối lo của nhà vua, chứ hạ thần thì không lo, hạ thần có thể dễ dàng tiêu trừ nỗi lo lắng của đức vua.
Vì vậy, Ngô Khởi trở về nhà và hỏi vợ: Người vợ có nên cống hiến chút gì cho công danh của chồng mình không?
Vợ ông không biết ý ông là gì. Đúng lúc bà đang tròn mắt không biết trả lời làm sao thì Ngô Khởi rút kiếm, xuống tay giết vợ, chặt đầu, đem đầu vào cung gặp vua Lỗ. Ngô Khởi nói rằng: Bệ hạ ngại hạ thần sẽ vì tình riêng mà ảnh hưởng, bây giờ những nghi ngờ đó đã được loại bỏ phải không?
Khi đó, vua Lỗ không vui, cảm thấy Ngô Khởi thực sự là một kẻ độc ác. Nhưng nhà vua cũng không muốn đắc tội với Ngô Khởi, nên đã giao binh quyền cho ông ta. Cuối cùng, Ngô Khởi thực sự thắng trận, sau khi trở về nước Lỗ, vua Lỗ vẫn hoài nghi Ngô Khởi. Ngô Khởi cũng biết điều đó nên rời Lỗ đến Ngụy.
Chuyện Ngô Khởi giết vợ để cầu danh được ghi trong ‘Sử ký’ như sau: “Ngô Khởi theo học Tăng Tử, phục vụ vua nước Lỗ, người Tề tấn công nước Lỗ, Lỗ muốn Ngô Khởi làm tướng, nhưng còn nghi ngại Ngô Khởi có vợ là người nước Tề, Ngô Khởi cầu công danh nên giết vợ để chứng tỏ lòng thành. Lỗ cho làm tướng, đại phá quân Tề.”.
“Sử ký” chỉ có ba chữ nói về động cơ giết vợ của Ngô Khởi, đó là “Dục tựu danh” tức là để đạt được danh tiếng cho riêng mình.
Ngô Khởi tuy không tốt với vợ nhưng lại rất tốt với binh lính của mình. Tất nhiên, lòng tốt của ông đối với quân sĩ không có nghĩa là ông muốn họ được sống thoải mái như thế nào hay đạt được những thành tựu gì trong tương lai, mà là ông muốn binh sĩ sẽ liều chết vì mình. Vì vậy, khi Ngô Khởi xuất trận, ông luôn mặc quần áo rất rách rưới, ăn khẩu phần giống hệt như binh lính cấp thấp nhất. Ông không đi xe ngựa, khi binh lính hành quân vác lương thực trên đôi chân trần, ông cũng mang vác, đi chân trần cùng sĩ binh.
Một lần, có người lính mắc bệnh ngoài da, Ngô Khởi đã đích thân hút mủ bằng miệng cho anh ta. Khi đó, sự việc này đến tai mẹ người lính, người mẹ đã khóc. Tiếng khóc này không phải là do lòng cảm động, mà là tiếng kêu của sự sợ hãi. Người mẹ này nói rằng, năm ấy Ngô Khởi cũng hút mủ cho cha của một người lính, vì vậy cha anh ta đã liều chết chiến đấu cho Ngô Khởi, cuối cùng, người cha đó đã chết trên chiến trường. Nay Ngô Khởi lại hút mủ cho con tôi, tôi không biết con trai tôi sẽ chết ở đâu.
Ngô Khởi thực sự đã thắng nhiều trận. Sau khi Ngụy Văn Hầu chết, ông rời khỏi nước Ngụy đến nước Sở, và bị bắn chết bởi những mũi tên trong chiến loạn.
5 nguyên tắc nhìn nhận lựa chọn người của Lý Khôi
Ở nước Ngụy, chúng ta thấy đó là thời đại của nhân tài đỉnh cao. Ví dụ, trong Nho giáo, chúng ta biết có Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao; trong việc hành quân đánh trận có Ngô Khởi, Nhạc Dương, Tây Môn Báo; trị lý quốc gia có Ngụy Thành, Trạch Hoàng, Lý Khôi, là một thời nhân tài đỉnh thịnh.
Trạch Hoàng rất giỏi dùng người, trước tiên ông tiến cử Nhạc Dương cho Ngụy Văn Hầu chiếm Trung Sơn, tiến cử Tây Môn Báo cai quản Nghiệp Thành, tiến cử Ngô Khởi chiếm lĩnh Tây Hà, cho nên ông nghĩ mình đã lập được công lớn cho quốc gia.
Một ngày nọ, Ngụy Văn Hầu nói với Lý Khôi: “Khanh nói với ta rằng nhà nghèo cần vợ tốt, quốc loạn cần tướng tài, nay ta rất muốn tìm một vị tướng tài, khanh xem Trạch Hoàng và Ngụy Thành, ai phù hợp hơn?”
Ngụy Thành là em trai của Ngụy Văn Hầu, còn Trạch Hoàng là một đại thần bình thường. Lý Khôi lúc đó không nói gì. Ngụy Văn Hầu nhất định gặng hỏi, Lý Khôi nói hạ thần sẽ đưa ra năm nguyên tắc, bệ hạ có thể dựa vào năm nguyên tắc này lựa chọn.
Năm nguyên tắc này là gì?
Ông nói để đánh giá một người cần xem: “Cư thị kỳ sở thân, phú thị kỳ sở dữ, đạt thị kỳ sở cử, cùng thị kỳ sở bất vi, bần thị kỳ sở bất thủ”.
Tạm dịch:Trong cuộc sống thường ngày, thì xem người đó thân với những người như thế nào. Khi giàu sang phú quý, thì xem người đó đem tiền của cho những người như thế nào. Khi thành đạt quyền thế, thì xem người đó tiến cử cất nhắc những người như thế nào. Khi ở tình cảnh khốn cùng, thì xem người đó không làm những việc gì. Khi nghèo khó khốn khổ, thì xem người đó không lấy những thứ gì.
Điều đó nghĩa là gì? ‘Cư thị kỳ sở thân’ có nghĩa là để xem thường ngày anh ta có mối quan hệ thân thiết hơn với ai , chữ “Cư” có nghĩa là lúc bình thường.
Thứ hai, ‘Phú thị kỳ sở dữ’ khi anh ta có tiền, anh đưa tiền cho ai tiêu.
Thứ ba, ‘Đạt thị kỳ sở cử’ khi có quyền lực, thành đạt rồi thì xem anh ta tiến cử người như thế nào, tiến cử hiền tài hay chỉ là do quan hệ thân quen.
Thứ tư, ‘Cùng thị kỳ sở bất vi’ khi anh ta gặp cảnh khốn khó, để thoát khỏi khốn cảnh hãy xem anh ta có làm việc xấu hay không;
Thứ năm, ‘Bần thị kỳ sở bất thủ’ khi anh ta rất nghèo, hãy xem liệu anh ta có lấy bất cứ thứ gì để làm giàu hay không, tức là anh ta sẽ không làm bất cứ điều gì mà không có ước thúc để làm giàu hoặc để thoát khỏi rắc rối.
Bệ hạ có thể xem xét năm khía cạnh này để xem ai phù hợp hơn.
Ngụy Văn Hầu nói, ta đã biết. Lý Khôi đứng dậy đi về. Khi đi ngang qua nhà Trạch Hoàng, Trạch Hoàng níu lại hỏi: “Tôi nghe nói nhà vua hỏi ngài ai có thể làm tể tướng, ngài tiến cử ai?”
Lý Khôi nói: “Nên giao cho Ngụy Thành”.
Trạch Hoàng nói: “Tôi muốn cùng ngài đàm luận, tôi thua kém Ngụy Thành cái gì?”
“Khi quốc vương lo lắng Trung Sơn, tôi tiến cử Nhạc Dương; khi quốc vương lo lắng về Nghiệp Thành, tôi tiến cử Tây Môn Báo; khi quốc vương lo lắng về Tây Hà, tôi tiến cử Ngô Khởi; con trai của ngài không có thầy dạy, tôi tiến cử Khuất Hầu Phụ, xin hỏi tôi kém Ngụy Thành ở điểm gì?”
Lý Khôi nói, tôi vừa nói với nhà vua năm điều, rồi ông lặp lại những gì ông vừa nói.
Lý Khôi nói: “Ông sao có thể so sánh với Ngụy Thành được, 90% lương bổng của Ngụy Thành dùng để bồi dưỡng nhân tài hoặc ban phát cho dân chúng, bản thân chỉ tiêu 1/10 số tiền, còn ông thì ôm giữ cả, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, Ngụy Thành tiến cử ai cho quốc vương? Ngụy Thành tiến cử Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao, Đoàn Can Mộc, họ đều trở thành thầy của nhà vua hoặc là bạn tâm giao; còn những người ông tiến cử như Nhạc Dương, Tây Môn Báo, Ngô Khởi, nhà vua chỉ coi họ là bề tôi, sao ông có thể so bì với Ngụy Thành đây?”
Trạch Hoàng sau khi nghe câu trả lời đã rất ngượng ngùng. Chờ một lúc, ông nói với Lý Khôi, vừa rồi tôi đã lỡ lời, thành thực xin lỗi, hy vọng có thể làm đệ tử của ngài cả đời.
Ngụy Văn Hầu không chỉ rất giỏi chọn dùng người mà còn rất có chiến lược. Khi đó, sau khi ba nhà phân chia nước Tấn, Hàn từng hẹn Ngụy cùng tấn công Triệu. Ngụy Văn Hầu nói rằng Triệu là chỗ anh em, ta không thể đánh chiếm. Lúc đó nước Hàn rất tức giận bỏ đi. Một lúc sau, nước Triệu đến và yêu cầu Ngụy Văn Hầu, hãy cùng liên kết tấn công Hàn. Ông cũng nói rằng nước Hàn là anh em, nên không thể tấn công. Nước Triệu cũng rất tức giận và bỏ đi.
Sau này, cả Hàn và Triệu đều nghe được lý do Ngụy Văn Hầu từ chối nước kia, đều rất cảm động, nên cả hai đến gặp vua Ngụy để tỏ lòng kính trọng. Lúc bấy giờ nước Ngụy đã trở thành một nước rất hùng mạnh, ông đã ngăn cản ba nước tấn công lẫn nhau, khiến mỗi nước đều hướng quan tâm ra bên ngoài.
(Chú thích: Chiến lược của Ngụy Văn Hầu giúp ba nhà ở Tấn tránh được nội chiến và hướng quan tâm ra bên ngoài. Ngô Khởi chiếm được đất Tây Hà cho Ngụy Văn Hầu, đây là một thất bại lớn đối với nước Tần. Ngô Khởi chỉ huy quân Ngụy vượt sông, tấn công quân Tần ở khu vực Tây Hà, lần lượt chiếm đóng Lâm Tấn, Vương Thành, Nguyên Lý, Lạc Dương, Hợp Dương, Âm Tấn, quân Ngụy không những chiếm cứ Tây Hà, mà còn chiếm được đất Hiệp, khống chế toàn bộ giao thông của miền tây với Trung Nguyên. Ngụy Văn Hầu cho xây dựng thành lũy dài ở bờ đông sông Lạc Thủy. Còn nước Tần xây dựng các công sự phòng ngự dọc theo bờ tây sông Lạc Thủy và bị kìm kẹp ở phía tây sông Lạc Thủy trong suốt 80 năm.)
Khu vực Tây Hà là một khu vực hình tam giác nằm ở ngã ba sông Hoàng Hà, sông Vị Hà, và sông Lạc Thủy, là vùng đất rất màu mỡ của đồng bằng Trung Nguyên. Vốn dĩ Hoàng Hà là một dải phòng ngự hiểm trở tự nhiên, nhưng do Tây Hà bị chiếm nên nước Tần đã mất đi Hoàng Hà, đồng thời cũng mất đi con đường vàng nối liền với Trung Nguyên, khiến nước Tần ngày càng yếu đi.
Năm 362 TCN, Tần Hiếu Công lên ngôi. Lúc đó, ông cảm thấy nếu cứ tiếp tục như vậy thì tương lai Tần sẽ bị diệt vong. Vì vậy, Tần Hiếu Công cho dán cáo thị: “Các môn khách quần thần, ai có thể nghĩ ra kế hay để củng cố nước Tần, ta sẽ cho làm quan lớn và chia đất cho người đó”.
Nghĩa là không chỉ ban chức vụ rất lớn, mà còn giao một phần đất nước cho cai quản.
Vì vậy, có người rời nước Ngụy và đi về phía tây tới nước Tần với cuốn “Pháp thư” của Lý Khôi. Việc người này đến Tần được coi là khởi đầu cho sự thịnh vượng và sức mạnh quân sự của Tần. Bất cứ khi nào nhắc đến việc Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, chúng ta cũng coi việc người này vào Tần là điểm khởi đầu cho sự thịnh vượng của Tần. Vậy người này là ai? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo “Cải cách của Thương Ưởng”.
(Còn tiếp)
Chương Thiên Lượng – NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) “Tiếu đàm phong vân” do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 10 – Giỏi nhìn nhận dùng người (3)
NTD Việt Nam