Gia đình ông Chi đã mời trụ trì chùa U Lan để hoá giải oan oán (Ảnh minh hoạ: pixabay)
Trước khi phúc báo của một sinh mệnh chưa hưởng hết thì chưa thể tiến hành báo ứng hoàn trả cho những việc xấu họ đã làm, đợi tới khi họ hưởng hết phúc báo thì đó là lúc họ phải bồi thường nghiệp báo cho những việc làm ác đó.
Tại Gia Thiện (nay là khu vực huyện Gia Thiện, tỉnh Chiết Giang), có một thư sinh họ Chi, nổi tiếng về tài năng và học thức. Vào mùa hè năm Kỷ Dậu, ông đến Gia Hưng để chuẩn bị cho kỳ thi khoa cử. Một hôm, ông đột nhiên cảm thấy có thứ gì đó xâm nhập vào cơ thể mình và ngay lập tức thấy khó chịu, rồi ngã lăn xuống đất. Sau đó, cậu thư đồng của ông ta nghe thấy giọng của một người lạ phát ra từ miệng ông Chi, nói rằng muốn giết ông ta. Cậu thư đồng vội vã đưa ông về nhà.
Sau khi trở về nhà, gia đình ông Chi quyết định tìm vị sư trụ trì chùa U Lan để xin giúp đỡ – là pháp sư Tây Liên. Sau khi pháp sư Tây Liên đến, ông hỏi con quỷ đang ám lên thân thư sinh: “Ngươi là tà quỷ phương nào, dám tới quấy rối Chi tướng công?”
Con ma lớn tiếng trả lời: “Tôi không phải là tà quỷ, bởi vì tôi có thù oán với hắn trong kiếp trước. Bây giờ nhân duyên đã đến, nên tôi mới đến đây để đòi mạng hắn”.
Pháp sư Tây Liên liền hỏi duyên cơ của mối oan oán kia. Quỷ ma nói: “Vào những năm đầu thời nhà Minh, tôi là phó tướng dưới trướng của khai quốc công thần Trung Sơn Vương Từ Đạt. Tên tôi là Hồng Thù, còn chủ tướng khi đó họ Diêu. Khi họ Diêu kia nhìn thấy dung mạo xinh đẹp của vợ tôi là Uông thị, anh ta đã nổi lên sắc tâm tham dục. Lúc đó có quân trộm cướp nổi loạn nên họ Diêu đã phái 700 quân lính già nua yếu ớt đến và sai tôi dẫn đầu quân đi chinh phạt. Đội quân của tôi quá yếu nhược, không thể chống lại quân nổi dậy, và toàn bộ quân của tôi đã bị tiêu diệt. Họ Diêu nhân cơ hội ép vợ tôi làm vợ hắn. Vợ tôi không chịu và treo cổ tự vẫn. Mang trong lòng mối hận sâu sắc này, mấy đời tôi đều tìm cơ hội báo thù”.
Hồn ma Hồng Thù kể tiếp: “Đời đó tên họ Diêu đã hối cải tội lỗi, phát tâm tu hành, và kết quả đầu thai làm một cao tăng. Sau đó ông ta lại chuyển sinh làm một đại văn hào. Đời thứ ba ông ta trở thành là một vị tăng nhân trì giới. Đến đời thứ tư, ông ta làm một người rất giàu có, thích làm việc bố thí, từ thiện, nên tôi chờ mãi mà không có cơ hội để báo thù. Hiện giờ là đời thứ năm, và ông ta đã được định sẵn sẽ trúng khoa bảng năm nay và năm sau. Nhưng vì một năm nọ, ông ta đã viết đơn kiện, làm tổn thương bốn người bán trà ở huyện Dư Hàng. Vì vậy, âm phủ đã cắt bỏ hết bổng lộc danh lợi của ông ta, và hiện tại tôi có thể đến đòi mạng ông ta”.
Pháp sư Tây Liên nghe hồn ma Hồng Thù nói rõ ràng mạch lạc, nên khai thị cho hắn: “Những gì ngươi nói đều có cơ sở, ta tin ngươi không vu oan cho Chi tiên sinh. Nhưng ta cũng tin rằng ngoài việc đòi mạng còn có một giải pháp tốt hơn. Phật giáo có một phương pháp tụng kinh và sám hối vô cùng vi diệu, có thể giải trừ oan nghiệp của tiền kiếp, và giúp ngươi siêu độ, chuyển sinh tới nơi tốt đẹp hơn. Cần gì phải tìm cách báo thù chỉ vì để rửa sạch mối căm hận nhất thời?”
Hồn ma Hồng Thù nghe xong liền cung kính nói: “Nếu có thể được như vậy thì tốt nhất, nhưng tôi sợ các người chỉ nói miệng mà lừa dối tôi. Nếu bây giờ khởi đạo tràng, tôi sẽ rời khỏi cơ thể của Chi tướng công, lập tức đi lễ Phật ở chính điện”.
Vậy là pháp sư Tây Liên đã viết ra những gì mình đã hứa và đốt nó cho hồn ma. Sau nghi lễ, ông Chi đã tỉnh dậy một cách kỳ diệu.
Tuy nhiên, vài ngày sau, ông Chi lại bất ngờ ngã xuống đất và trong miệng phát ra giọng nói miền bắc. Gia đình ông vội tới mời pháp Tây Liên đến lần nữa. Pháp sư Tây Liên mắng con ma và nói: “Ngươi đã được siêu độ rồi thì lẽ ra phải rời khỏi thân thể ông ấy, tại sao ngươi lại tới đây?”
Hồn ma Hồng Thù giải thích rằng, nó đã được Pháp lực của Phật siêu độ, nhưng có 4 người khác đến đòi mạng, đó là 4 người bán trà. Nó đặc biệt đến để thông báo cho pháp sư rằng nó đã giữ lời hứa, và không nên hiểu lầm. Hồn ma của Hồng Thù nói xong liền rời đi. Ngay sau đó, ông Chi lâm bệnh và qua đời trong vòng hai ngày.
Câu chuyện này phản ánh câu nói trong Phật gia rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải là không báo mà thời điểm chưa tới, khi tới lúc thì tất cả sẽ phải báo”. Điều này hoàn toàn đúng. Trước khi phúc báo của một sinh mệnh chưa hưởng hết thì chưa thể tiến hành báo ứng hoàn trả cho những việc xấu họ đã làm, đợi tới khi họ hưởng hết phúc báo thì đó là lúc họ phải bồi thường nghiệp báo cho những việc làm ác đó. Hơn nữa quá trình này không phải một đời, một kiếp là hết, ví dụ như hồn ma Hồng Thù trong câu chuyện trên đã đợi bốn kiếp, chỉ đến kiếp thứ năm khi đối phương làm chuyện xấu, không còn phúc lộc, thì mới có được cơ hội để xâm chiếm cơ thể của thư sinh họ Chi kia và trả thù.
Vì vậy, chúng ta nhìn vào báo ứng thiện ác nơi nhân gian, nếu chỉ nhìn được một đời thì không thể nhìn rõ rất nhiều oan oán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến con người phải sống trong mê.
Theo Hoài Nhẫn Nhẫn – Epoch Times
Minh An biên dịch
NTD Việt Nam