Tác giả: Đức Huệ
[ChanhKien.org]
Theo ghi chép của Quách Tắc Vân trong Động linh tục chí – quyển 5, trước đây có một người nông dân, một năm vào tháng mười hai âm lịch khi đang trên đường đi thăm người thân sống ở làng lân cận, đột nhiên anh gặp một trận tuyết rơi dày đặc. Trời lại dần dần tối. Anh bị mắc kẹt giữa đường vì trước sau không có thôn xóm hay quán trọ nào. Không còn lựa chọn nào khác, nhìn thấy một ngôi đền cổ cách đó không xa, anh đành đến tá túc trong đó.
Anh tìm thấy một căn phòng nhỏ trong ngôi đền cổ rồi ngủ thiếp đi, trong giấc mơ anh thấy ngôi đền cổ hoang vắng bỗng trở nên nguy nga tráng lệ, bên ngoài cửa đền nhiều xe ngựa tập trung, còn trên điện Thần các vị Thần linh ngồi kín hết, sai dịch người hầu ngồi xung quanh tả hữu, chúng Thần đang bàn bạc chuyện gì đó. Nhìn thấy cảnh này anh vô cùng kinh ngạc, nằm yên không dám cử động. Đột nhiên có một sai dịch mặc áo xanh quỳ xuống thưa với một vị Thần rằng: “Thưa Ngài, vẫn còn thiếu một người phu xe, vừa vặn ở đây có một người đang ngủ nhờ, có thể cho anh ta làm phu xe”. Vị Thần gật đầu đồng ý. Sai dịch liền gọi anh ra, hóa ra họ sớm đã biết sự có mặt của anh ở đây rồi, quả là không có gì qua được mắt Thần.
Theo đội ngũ chúng Thần, anh đánh xe đến một ngôi làng. Trước cổng làng có một cụ già có bộ râu trắng đang kính cẩn chờ đợi. Thì ra cụ già này là Thần thổ địa ở thôn này. Các vị Thần nhờ Thần thổ địa dẫn đường đến trước khu đại viện của một phú hào, anh ngước mắt nhìn vào thì thấy bên trong khuôn viên các gian nhà san sát nhau, đây đúng là một dinh thự! Một vị Thần dẫn đầu đi thẳng vào trong và nói với thổ Thần: “Căn cứ theo tội ác của gia đình này mà giao cho Bộ Hỏa hành hình xử tử, phụng thiên hành sự không thể cho một người nào thoát tội”.
Sau đó các lính hầu tiến hành đo đạc khu đất, xác minh nhân khẩu của gia đình đó, sau khi kiểm tra tất cả đã chính xác, đoàn xe lại trở về ngôi chùa cổ. Người hầu mặc áo xanh đến bên vỗ vai anh nói: “Ngươi thật vất vả, ta sẽ cho ngươi 100 đồng coi như trả công”. Không lâu sau anh tỉnh dậy thấy tuyết đã ngừng rơi liền tiếp tục lên đường. Trên đường đi, anh tự hỏi: “Sao mình lại có một giấc mơ rõ ràng như vậy?” Đi được vài bước, đột nhiên anh bị trượt chân ngã xuống nhưng vì thế mà anh nhìn thấy 100 đồng nằm trên tuyết gần chỗ anh ngã được xâu lại với nhau bằng một sợi dây mỏng. Anh lập tức hiểu ra: Đây là phần thưởng mà viên sai dịch áo xanh đã nói với anh. Vậy là mọi thứ trong giấc mơ đều là thật! Đêm qua, nguyên thần của anh đã rời thân thể, làm phu xe chở các vị Thần.
Khi đến nhà họ hàng ở thị trấn lân cận, anh mới hay đêm qua đã xảy ra một sự cố lớn: Dinh thự của một phú ông ở làng bên bỗng dưng bốc cháy, vì mùa đông nên các cánh cửa đều đóng lại khiến cả nhà phú ông chết cháy, không một ai thoát. Về sau, anh nghe mọi người nói rằng người này đã làm giàu bằng các thủ đoạn không chính đáng như: cho vay nặng lãi bóc lột người khác, câu kết với quan lại tham nhũng, huênh hoang hống hách, nói chung đã làm rất nhiều việc xấu, ai cũng sợ hắn ta như sợ hổ mà cũng không ai làm gì được. Lần này, cả gia đình đều chết trong hỏa hoạn. Dân làng đều cho rằng đây là ác hữu ác báo. Lúc này, anh mới kể cho mọi người nghe về chuyến đi kỳ ngộ của mình trong giấc mơ khi nguyên thần ly thể. Tất cả những người nghe được đều cảm thán nói rằng đây là quả báo.
Mặc dù câu chuyện này không nói rõ thời gian và địa điểm cụ thể, nhưng xác thực đã được ghi lại trong Động linh tục chí của Quách Tắc Vân, người từng giữ chức Tổng thư ký Quốc vụ viện của Chính phủ Bắc Dương thời đó, tính chân thực của câu chuyện hẳn là đáng tin cậy, nên giới thiệu cho mọi người. Câu chuyện này minh chứng cho đạo lý ác giả ác báo, một người làm nhiều việc ác còn liên đới đến cả người nhà cùng chịu nạn. Cùng đạo lý như vậy, một đảng hoặc một tổ chức, nếu phạm tội lớn sẽ liên lụy đến toàn thể thành viên.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org