Hai vị tăng nhân Hàn Sơn (trái) và Thập Đắc (phải) là hai trong những vị tăng nhân điên, Đạo sĩ điên như thế. (Tổng hợp)
Trong lịch sử có nhiều vị tăng nhân điên, Đạo sĩ điên, họ có khi trông như kẻ ăn mày rách rưới, có lúc cười cười nói nói những lời điên điên khùng khùng khó hiểu, nhưng đôi khi họ lại để lộ ra những khả năng phi thường. Hai vị tăng nhân Hàn Sơn và Thập Đắc là hai trong những vị tăng nhân điên, Đạo sĩ điên như thế.
Thái thú đau đầu, cao tăng không mời mà đến chữa khỏi bệnh
Câu chuyện được ghi chép trong “Tống cao tăng truyện”.
Chuyện xảy ra ở Trường An vào những năm Đại Lịch triều Đường. Một ngày nọ, Thái thú Lư Khâu Dận đột nhiên đau đầu không chịu nổi, dường như có hàng ngàn hàng vạn cái đinh thép đâm vào đầu, khiến ông đau đớn lăn lộn trên giường. Người nhà cuống cuồng đi tìm không biết bao nhiêu danh y, sử dụng đủ mọi biện pháp đều vô hiệu. Đang lúc bó tay hết cách thì có một tăng nhân dung mạo thoát tục không mời tự đến và nói: “Đừng lo”.
Tăng nhân bảo đem đến một bát nước sạch, ngậm một ngụm lớn rồi phun vào Lư Khâu Dận. Lư Khâu Dận bị phun nước khắp đầu tóc mặt mũi, nhưng kỳ lại thay, cơn đau đầu đột nhiên biến mất không còn dấu vết.
Lư Khâu Dận lắc lắc đầu rồi lại nhảy nhảy lên xem, thật kỳ lạ, thực sự đã khỏi bệnh chứ không phải giấc mơ. Cơn đau đầu vừa mới đây còn đang đưa ông đi gặp Diêm Vương, nháy mắt đã hoàn toàn biến mất rồi, hiện chỉ thấy tinh thần thanh tỉnh sảng khoái.
Lư Khâu Dận vội vàng tạ ơn: “Đại ơn đại đức của ngài, tôi mãi mãi không bao giờ quên. Xin hỏi pháp hiệu của đại sư? Ngài từ chùa nào đến?”
Tăng nhân nói: “Lão nạp là Thiền sư Phong Cán, từ chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai đến”.
Lư Khâu Dận kinh ngạc: “Thật trùng hợp, tôi được Thánh thượng bổ nhiệm làm Thái thú Đài Châu, chuẩn bị đi Đài Châu nhậm chức. Xin hỏi Thiền sư, lần đi này lành dữ ra sao?”
Câu trả lời của Thiền sư Phong Cán lại khiến Lư Khâu Dẫn kinh ngạc hơn nữa: “Sau khi ngài nhậm chức, hãy nhớ đến bái kiến Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát”.
Lư Khâu Dận vội vàng hỏi: “Bồ Tát ở đâu?”
Thiều sư nói: “Đó chính là Hàn Sơn và Thập Đắc – người rửa bát và làm việc vặt trong bếp của chùa Quốc Thanh”.
Tăng nhân cưỡi hổ – Phong Cán
Sau khi đến Đài Châu, Lư Khâu Dận lập tức đến thăm chùa Quốc Thanh, gặp lão tăng Đạo Kiều Pháp sư, ông bèn chắp tay hỏi: “Xin hỏi quý tự có Thiền sư Phong Cán không?”
Lão tăng nói: “Có”.
Lư Thái thú lại hỏi: “Vậy có Bồ Tát Hàn Sơn, Thập Đắc không?”
Đạo Kiều Pháp sư vừa nghe liền cảm thấy kỳ lạ: “Tại sao vị mệnh quan triều đình này lại tìm 3 vị tăng nhân này, lại còn gọi họ là Bồ Tát nữa?”
Bởi vì Phong Cán, Hàn Sơn, Thập Đắc là 3 vị tăng điên nổi tiếng ở chùa Quốc Thanh. Trước tiên nói về Phong Cán, dáng vẻ rất đẹp, Tiên phong Đạo cốt, khí chất phi phàm. Nhưng nếu có người nào đó nói chuyện với ông ta, hỏi việc gì đó thì ông ta đều trả lời một câu: “Tùy thời”.
Ông ta có sở thích là một mình giã gạo. Từ khi ông ta đến chùa Quốc Thanh đến nay, ông ấy vẫn luôn giã gạo cho tăng chúng.
Một lần, Phong Cán cưỡi trên con hổ lớn từ ngoài cổng chùa đi vào, khiến các tăng nhân sợ hãi kêu thét, chạy tán loạn.
Phong Cán hát rất hay, thường xuyên ca hát, lời ca rất sâu sắc. Mọi người cảm thấy có lẽ ông ta có đạo hạnh, nếu không thì hổ đã không ngoan ngoãn để ông ta cưỡi, và cũng không thể hát được những lời ca sâu sắc như thế.
Còn về Thập Đắc, là do Phong Cán nhặt được ở trên núi đem về. Khi Phong cán đưa Thập Đắc về chùa Quốc Thanh, mọi người thấy cậu bé cưỡi trên lưng con hổ của Phong Cán, và đang chơi đùa với con hổ rất vui thích. Phong Cán đưa cậu bé giao cho Đạo Kiều Pháp sư và nói: “Đứa bé này không biết nhà ai để lạc, hãy giữ nó ở đây thôi. Nếu có người đến nhận thì để họ đem về”.
Pháp sư Đạo Kiều hỏi: “Có biết nó tên gì không?”
Phong Cán trả lời: “Tôi nhặt được ở trên đường, vậy gọi nó là Thập Đắc (nghĩa là nhặt được)”.
Cậu bé nhặt được trên đường – tăng điên Thập Đắc
Cậu bé Thập Đắc này tuổi nhỏ nhưng nghịch như quỷ, vì ít tuổi nên được xếp việc quản lý hương đèn. Một ngày, cậu bưng bình bát của mình chạy lên đại điện, ngồi đối diện với tượng Phật rồi ăn ngốn ngấu, nhai xồm xoàm. Thế là cậu bị chuyển đến nhà bếp để rửa nồi niêu bát đĩa, người ta không nhìn thấy cậu thì có thể tĩnh tâm lại.
Nhưng Thập Đắc cũng không chịu ngồi yên. Một đêm nọ, tất cả mọi người trong chùa đều có một giấc mộng giống nhau, mộng thấy Thần bảo hộ chùa là Bồ Tát Già Lam từ bên ngoài cổng chùa đi vào, miệng không ngớt nói: “Thập Đắc đánh ta, Thập Đắc đánh ta”.
Sáng sớm hôm sau, mọi người không hẹn mà cùng nhau chạy đến bên tượng Bồ Tát Già Lam xem xét, quả nhiên thấy trên bức tượng vốn uy nghi trang nghiêm có vết tích bị đánh. Thập Đắc thừa nhận rằng: “Thức ăn thừa trong bếp thường bị quạ và chim sẻ đến ăn, để lại cảnh hỗn loạn ngổn ngang. Bồ Tát Già Lam không bảo vệ tốt thức ăn của tăng chúng, nên đáng bị đánh đòn”.
Còn một việc nữa rất hi hữu, mỗi tháng 2 lần, những hòa thượng đã thọ giới của chùa Quốc Thanh phải đến giới đường nghe giảng về giới luật. Một lần, Thập Đắc chăn bò đi qua, đột nhiên dừng lại, đứng ở ngoài cửa nói lớn: “Các vị trốn ở đây nói trời nói đất, nhàn rỗi quá nhỉ. Sau này tôi cũng đến đây, không đi chăn bò nữa”.
Mọi người vội vàng đuổi cậu đi, Thập Đắc vẫn đứng trơ ra, cười hì hì, chỉ những con bò ở bên ngoài cửa và nói: “Xem đàn bò này, chính là những người chỉ ăn mà không làm chuyển sinh thành đó”.
Có người lớn tiếng quát cậu im miệng: “Không được nói bừa, đó là những người tạo nghiệp sát sinh giết trâu bò, thì có khả năng chuyển sinh thành thân bò, đó là báo ứng trả nợ nghiệp. Tăng chúng xuất gia, đều có công đức, sao có thể đọa thân bò được!”.
Nào ngờ, Thập Đắc trả lời quả quyết: “Những con bò này đời trước là pháp sư và chấp sự của chùa chúng ta đó”.
“Cái gì?” – Mấy hòa thượng kêu lên – “Cậu có chứng cứ không?”
Thập Đắc thong thả nói: “Trước đây trong chùa có Pháp sư Mạc Danh chứ?”.
Mọi người nháo nhác trả lời rằng: “Có đó, mấy năm trước đã viên tịch rồi”.
“Thế à! Ồ, chính là con bò này, con bò trắng ở gần giới đường nhất đó chính là Pháp sư Mạc Danh”.
Mọi người nhìn theo hướng tay chỉ của Thập Đắc, đúng là có một con bò trắng ở trước mặt, mắt nó cứ nhìn chằm chằm vào bên trong giới đường.
Lúc này Thập Đắc lại hét lên: “Pháp sư Mạc Danh, hãy đi đến trước giới đường đi”.
Mọi người thấy con bò trắng sau khi nghe Thập Đắc nói thì cúi đầu bước đi, chầm chậm bước về phía giới đường, dáng vẻ xấu hổ.
Sau đó Thập Đắc lại gọi mấy cái tên rồi nói: “Tất cả cá vị đều đến phía trước đi, các bạn cũ của các vị đang muốn gặp các vị đó”.
Quả thực có 3 con bò đen cúi đầu từ trong đàn bò chậm rãi bước ra, đứng trước mặt mọi người và chớp chớp mắt. Các hòa thượng nhìn thấy tình cảnh này đều sợ hãi tròn mắt nhìn không biết nói năng gì.
Thập Đắc lại hát một bài kệ rằng:
Đời trước không giữ giới
Mặt người súc vật tâm
Nay ngươi chịu tội này
Biết oán hận ai đây?
Phật lực tuy vĩ đại
Ngươi cô phụ Phật ân.
Tăng nhân điên rách rưới lang thang – Hàn Sơn
Trong chùa Quốc Thanh, người mà tăng chúng không thể nhẫn chịu được chính là Hàn Sơn. Không ai biết lai lịch của ông ta, vì ông ta thường ở trong hang đá lạnh trên núi nên mọi người gọi là Hàn Sơn. Hàn Sơn lúc nào cũng có bộ dạng của kẻ lang thang, dung mạo khô héo tiều tụy, đội một chiếc mũ làm bằng vỏ cây gỗ hoa trên mái tóc dài bù xù, mặc chiếc áo dài rách rưới và đi đôi guốc mộc lớn, những mảnh áo rách phất phơ trong gió. Điều này khiến những tăng nhân ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ cảm thấy rất không hài lòng.
Hàn Sơn thường bất ngờ từ một nơi nào đó lù lù bước ra, thất thểu đi chầm chậm ở hành lang nhà chùa, dáng vẻ có điều gì suy nghĩ. Có lúc không biết tại sao, Hàn Sơn hò hét lớn nhìn lên trời mắng nhiếc một chặp. Ông ta còn đi khắp nơi viết vẽ loạn lên. Các tăng nhân trong chùa không nhẫn chịu được, cầm gậy đuổi ông ta đi. Lúc này, Hàn Sơn lộn nhào rồi vỗ tay, cười ha ha rồi chậm rãi bước đi.
Tuy các tăng nhân chùa Quốc Thanh không hoan nghênh Hàn Sơn, nhưng Thập Đắc lại rất tâm đầu ý hợp với Hàn Sơn, thường đem thức ăn thừa bỏ vào cái thùng gỗ để dành cho Hàn Sơn. Mọi người cảm thấy khó hiểu, tại sao Thập Đắc lại thích Hàn Sơn như thế này, có lẽ người thế nào tìm đến người thế ấy, hai người này điên điên, cũng kẻ tám lạng người nửa cân, nên quý nhau đó thôi.
Hàn Sơn thường đến tìm Thập Đắc, hai người nói chuyện rôm rả trong nhà bếp, chốc chốc lại cười ha hả. Thế nhưng mọi người nghe mà không hiểu hai người nói gì.
Hai người này đi rồi
Pháp sư Đạo Kiều nghe thấy Thái thú hỏi về 3 người này, bèn nói: “Phong Cán hiện nay không còn ở trong chùa nữa, nơi ông ấy ở đôi khi thấy có hổ báo xuất hiện. Còn hai người Hàn Sơn, Thập Đắc hiện đang ở nhà bếp”.
Lư Thái thú rất hiếu kỳ, bèn đến nơi Phong Cán ở xem xem, thấy khắp nơi đều có dấu chân hổ, bất giác cảm thán rằng: “Người này đâu phải là người phàm”.
Lư Thái thú lại thỉnh cầu: “Pháp sư có thể đưa tôi đến gặp hai vị Bồ Tát Hàn Sơn và Thập Đắc được không?”
Họ đi đến bên ngoài cổng thì đã thấy một nhóm tăng nhân chen chúc ở đó rồi, trông có vẻ đang tò mò điều gì đó. Pháp sư Đạo Kiều không tiện nói nên dẫn đầu đoàn người, Lư Thái thú và các tăng nhân theo sát phía sau, cả đoàn rầm rầm rộ rộ đi về phía nhà bếp.
Từ phía xa đã nghe thấy tiếng cười đùa của 2 người, Thái thú bước vào liền chắp tay bái lay, miệng nói: “Hạ quan Lư Khâu Dận đảnh lễ hai vị Đại sĩ”.
Các tăng nhân đi cùng kinh ngạc thất sắc, bàn tán xôn xao: “Vị quan lớn này tại sao lại hành đại lễ như thế này với hai người điên này?”
Thế nhưng, hai người này đang ở trước bếp lò, nhìn thấy cảnh tượng bất ngờ này thì cười ha hả và nói rằng: “Ở đây không có Đại sĩ, chỉ có Đại hỏa – lửa cháy lớn mà thôi”.
Lư Thái thú quỳ trên mặt đất nói: “Chính là hai vị, xin nhận lễ bái của đệ tử”.
Hai người vén tay áo đứng lên, cười nghiêng cười ngả: “Ai nói đó, ai nói đó?”
Thái thú trả lời: “Đệ tử khi ở Trường An, đã nhận lời phó thác của Thiền sư Phong Cán, rằng sau khi đến Đài Châu thì nhất định phải đến lễ bái hai vị Đại sĩ”.
“Phong Cán lắm mồm, Phong Cán lắm mồm” – Hàn Sơn và Thập Đắc vừa nói lớn vừa nhanh chân bước ra khỏi nhà bếp, xuyên qua đám tăng nhân đang kinh ngạc rồi đi về phía ngọn núi sau chùa, trong chớp mắt đã không thấy tông tích đâu nữa, chỉ thấy vang lên lời hát một bài kệ rằng:
Phong Cán lắm mồm
Phong Cán lắm mồm
Di Đà không biết
Lễ ta làm gì?
Bài kệ ý nói rằng: Phong Cán lắm mồm (tiết lộ Thiên cơ), (ông đã) gặp Phật A Di Đà mà không nhận ra, (không lễ bái Phật Di Đà) mà lễ bái hai người chúng tôi làm gì?
Lư Thái thú và đoàn người chạy theo nơi phát ra lời kệ tìm được Hàn Sơn và Thập Đắc. Hàn Sơn và Thập Đắc lập tức hô lớn: “Giặc, giặc đến rồi”.
Hai người vừa hô vừa lùi về phía sau, lùi mãi cho đến bên vách đá lạnh. Đúng lúc không còn đường lùi nữa, thì vách núi bỗng nhiên tách ra một khe nứt, Hàn Sơn và Thập Đắc liền chui vào trong núi, miệng nói lớn: “Chư vị hãy tự mình nỗ lực nhé”.
Khi mọi người đến bên vách núi, thì khe nứt tự động liền lại, không nhìn thấy chút vết tích nào của vết nứt, chỉ nghe thấy tiếng cười của Hàn Sơn và Thập Đắc, dường như vẫn còn vang vọng trong núi.
Tăng nhân làm thơ
Lư Khâu Dận không còn cách nào, đành lệnh cho người tìm những di vật của hai người. Ở trên các vách đá và thôn trang gần chùa, mọi người sao chép được hơn 300 bài thơ của Hàn Sơn để lại, và biên tập thành bộ sách “Hàn Sơn Tử thi tập”, và lưu truyền ở thế gian.
Do đó, Hàn Sơn và Thập Đắc chính là hai vị thi tăng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Trong sách “Hàn Sơn Thập Đắc nhẫn nại ca” có một đoạn hỏi đáp tuyệt diệu của hai người, cho đến nay mọi người vẫn thích thú ngâm nga, đại ý như sau:
Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Nếu thế gian có người vô cớ phỉ báng ta, ức hiếp ta, làm nhục ta, chê cười ta, coi khinh ta, khinh bỉ ta, chán ghét ta, lừa dối ta, thì ta phải làm thế nào?
Thập Đắc trả lời rằng: Chỉ nhẫn nhịn người ta, nhường người ta, kệ người ta, tránh người ta, nhẫn nại người ta, tôn kính người ta, chớ để ý đến người ta, sau đó vài năm, hãy xem họ thế nào.
Với người bình thường mà nói, câu “qua vài năm, hãy xem họ thế nào”, là có ý nói rằng, ông Trời có mắt, thiện ác hữu báo. Còn với người tu luyện, câu này là có ý nói, trải qua một phen rèn luyện tu tâm, sau khi tâm tính nâng cao, thì tất cả những thứ trước kia khiến mình động tâm, đều biến thành như gió thoảng mây bay, không còn bất kỳ gợn sóng nào trong tâm nữa. Cùng với sự cải biến bản thân, thì sẽ ý thức được rằng, vốn những thứ đủ các loại của người khác đó hoàn toàn không quan trọng, điều quan trọng là tâm tính của bản thân.
Trong “Nhẫn nại ca” còn có mấy câu thơ rằng:
Có người mắng nhiếc ta
Ta chỉ nói tốt thôi
Có người đánh đập ta
Ta đi ngủ một hơi
Nhổ bọt lên mặt ta
Thì mặc nó tự khô
Ta đỡ tốn công lau
Người ta hết phiền não
Năm Ung Chính thứ 11 (năm 1733) triều Thanh, Hoàng đế Ung Chính xuống chiếu phong Đại sĩ Hàn Sơn ở núi Thiên Thai là Hòa Thánh, Đại sĩ Thập Đắc là Hợp Thánh. Từ đó dân gian thờ hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc là Thần bảo hộ hòa bình, vui vẻ và đoàn viên.
Theo Wenshidaguanyuan
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam