Tác giả: Bình Tâm
[ChanhKien.org]
Năm 2019, tin tức Nhật Bản đổi niên hiệu từ “Bình Thành” (Heisei) sang “Lệnh Hòa” (Reiwa) đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của rất nhiều người Trung Quốc. Người ta cũng thảo luận lại chủ đề vốn đã trầm lắng từ lâu, nhiều người nghi vấn rằng văn hóa niên hiệu là do Trung Quốc sáng lập, vì sao cuối cùng lại biến mất ở Trung Quốc? Rốt cuộc niên hiệu có quá trình phát triển như thế nào? Niên hiệu đối với người Trung Quốc có ý nghĩa gì? Khi lật mở lại các sách lịch sử, hiện ra trước mắt chúng ta là một tòa cung điện hùng vĩ được xây dựng bởi một nền văn hóa Thần truyền.
Đặt định niên hiệu
Mọi người đều biết, cách tính năm theo niên hiệu do Hán Vũ Đế sáng lập từ 2000 năm nay vẫn luôn là phương thức tính năm của các triều đại Trung Quốc. Dựa theo ghi chép trong “Sử Ký”, các quan viên kiến nghị Hán Vũ Đế dựa theo điềm lành của Thiên tượng để đặt niên hiệu cho đế vương. “Hữu ty ngôn Nguyên nghi dĩ thiên thuỵ mệnh, bất nghi dĩ nhất nhị số. Nhất Nguyên viết Kiến Nguyên, Nhị Nguyên dĩ trưởng tinh viết Nguyên Quang, Tam Nguyên dĩ giao đắc nhất giác thú viết Nguyên Thú v.v.” (Dịch nghĩa: Có vị quan nói Nguyên nên đặt theo điềm lành của thiên thượng, không nên đặt theo số một hai. Nhất nguyên gọi là Kiến Nguyên, Nhị Nguyên lấy sao trường tinh gọi là Nguyên Quang, Tam Nguyên lấy việc săn được thú một sừng gọi là Nguyên Thú Vân, v.v.) (1) Hán Vũ Đế chấp nhận kiến nghị này, đặt niên hiện đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là Kiến Nguyên, biểu thị Trung Quốc sắp tiến vào một thời kỳ lịch sử hoàn toàn mới.
Từ khi đăng cơ, Hán Vũ Đế đã nỗ lực thi hành các chính sách mới, tôn sùng đạo trị quốc của Nho gia, động thái này đã khiến Đậu thái hoàng thái hậu tức giận, lúc bấy giờ thái hoàng thái hậu đang tin phụng học thuyết Hoàng Lão (2). Bất đắc dĩ, Hán Vũ Đế đành phải gác lại các biện pháp cải cách. Mãi đến năm Kiến Nguyên thứ năm (năm 136 TCN), Đậu thái hoàng thái hậu đột ngột qua đời.
Vào năm 134 TCN, một ngôi sao chổi (tuệ tinh) xuất hiện trên bầu trời. Vào thời cổ đại chiêm tinh học đã phát triển, người xưa có thể căn cứ vào sự vận hành, vị trí của các ngôi sao và dự báo khí tượng để dự đoán sự việc của con người.
“Tuệ, sở dĩ trừ cựu bố tân dã” (Dịch nghĩa: Tuệ có thể trừ bỏ cái cũ thiết lập cái mới). Theo “Tả truyện”, người xưa tin rằng tuệ tinh xuất hiện là điềm báo bỏ cũ lập mới, đây là biến hóa lớn của thiên tượng. Vì tuệ tinh để lại chiếc đuôi dài trên bầu trời nên dân gian cũng gọi là “sao chổi”.
Sự xuất hiện của sao chổi báo trước việc Hán Vũ Đế sẽ loại bỏ chính sách cũ, thúc đẩy chính sách mới. Sau khi Đậu thái hoàng thái hậu chết, Hán Vũ Đế hạ chiếu khôi phục chức quan Bác sĩ (3), cho triệu hồi những nho sinh đã bị bãi chức trước kia, triều đại nhà Hán từ đây bắt đầu thay đổi lề lối, biến thủ thành công, phát triển thành một đế quốc lớn mạnh hùng cứ phương Đông. Để thuận theo thiên tượng trừ cựu bố tân nên niên hiệu được đặt là Nguyên Quang.
Năm 122 TCN, theo “Hán Thư”, vào ngày đông tháng 10, lúc Hán Vũ Đế làm lễ cúng tế trời đất bên ngoài thành đã bắt được một con kỳ lân, sáng tác “Bạch Lân chi ca”, xưng niên hiệu là Quang Thú. Kỳ lân là một loài thú hiền lành, mình nai, đuôi trâu, chân ngựa, có năm màu, móng tròn, một sừng, người xưa cho rằng khi có bậc vương giả có đức thì kỳ lân mới xuất hiện, đó là một điềm báo vô cùng tốt lành.
Năm 113 TCN, Hán triều lại xuất hiện một việc lạ thường. Theo “Sử Ký”, vào mùa hè giữa tháng sáu, khi dân chúng đang cúng tế thì thấy mặt đất trồi lên như hình móc câu, đào lên thì thấy một cái đỉnh lớn khác thường.
Đỉnh là vật tượng trưng cho vương quyền, là kho báu quốc gia. Phục Hy tạo ra chiếc đỉnh để biểu thị sự thống nhất. Hoàng Đế đúc chiếc đỉnh ba chân, tượng trưng thiên địa nhân tam tài. Đại Vũ đúc chín chiếc đỉnh để tế lễ thiên địa thần minh, sau khi chín đỉnh đúc xong, một số ma quỷ ở rừng núi, sông hồ sợ hãi không dám xuất hiện. Sách “Thuyết Văn” viết: “Xưa kia Hạ Vũ lấy đồng ở chín châu, đúc đỉnh dưới chân núi Kinh Sơn, vào rừng núi sông hồ, yêu ma quỷ quái không dám lộ diện, được trời bảo hộ”.
Bảo đỉnh xuất hiện chính là điềm lành của Thiên thượng, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc Hán Vũ Đế quyết định cử hành đại lễ phong thiện (4) trên núi Thái Sơn sau này. Khi đó, một vị đại thần đã đề nghị với Hán Vũ Đế rằng: “Bảo đỉnh xuất hiện là để câu thông với Thần, dùng để phong thiện”. Dùng bảo đỉnh để cúng tế có thể câu thông với Thiên Địa Thần minh, và phong thiện tất nhiên là hình thức cúng tế long trọng nhất.
Hiện nay người ta nhìn nhận rằng, phong thiện là một nghi lễ của Hoàng đế để báo cáo thành tích với Thiên thượng, thể hiện rằng mình đang tuân theo Thiên mệnh, từ đó cầu xin sự bảo hộ của Thần. Nhưng người ta thường bỏ qua sự kiện Hán Vũ Đế năm xưa học theo Hoàng Đế đúc đỉnh tu luyện, phong thiện trên núi Thái Sơn, ôm giữ đại nguyện tu luyện cầu Tiên.
Năm xưa, Hoàng Đế lãnh đạo quần thần vừa đánh trận vừa tu luyện, ông khai thác quặng đồng ở Thủ Sơn để đúc bảo đỉnh, sau khi bảo đỉnh hoàn thành, thì có một con rồng từ trên trời giáng xuống, mang theo quần thần và phi tử hơn 70 người bay đi. Những người không tu thành nắm lấy râu rồng cũng muốn cùng lên trời, nhưng sau cùng đều bị quăng xuống. Những người không tu thành ôm lấy cây cung của Hoàng Đế gào khóc, người đời sau gọi cây cung là “Ô Hào”, gọi nơi Hoàng Đế thăng thiên là Đỉnh Hồ. Đây là lần triển hiện Thần tích vô cùng tráng quan, sự tích này cũng được ghi lại trong “Sử ký” dưới hình thức cuộc đối thoại giữa Hán Vũ Đế và đại thần.
Sau khi Hán Vũ Đế nghe xong câu chuyện Hoàng Đế phi thăng thì nói: “Than ôi! Ta thật muốn như Hoàng Đế, ta coi việc rời thê tử như cởi giày vậy”. Xét về tu luyện, Hán Vũ Đế xem tình thân như đôi giày có thể cởi ra bất cứ lúc nào, đủ để chứng minh ngộ tính của ông rất cao, căn cơ phi phàm.
Bởi sự xuất hiện của bảo đỉnh mà Hán Vũ Đế đã đổi niên hiệu thành Nguyên Đỉnh. Sau đó còn noi theo Hoàng Đế cử hành lễ phong thiện trên núi Thái Sơn, rồi lại đổi niên hiệu thành Nguyên Thú. Năm 104 TCN, Hán Vũ Đế đã cử hành nghi lễ long trọng để ban bố cách tính lịch mới, lịch pháp này lấy tháng giêng làm đầu năm, sử dụng 24 tiết khí có lợi cho nông vụ, thay thế “lịch Chuyên Húc” từ thời nhà Tần Hán, cũng lấy năm này định thành năm Thái Sơ Nguyên, vì vậy lịch pháp mới có tên là “lịch Thái Sơ”. Những sự kiện lịch sử trọng đại này đã thông qua hình thức niên hiệu mà ghi dấu ấn trong văn hóa truyền thống Hoa Hạ và vĩnh viễn truyền lại cho đời sau.
Diễn biến và sự phát triển của niên hiệu
Để đặt định ra văn hóa niên hiệu, Thần đã an bài một cách hệ thống có thứ tự. Vì vậy từ khi niên hiệu vừa mới được sáng lập, nó đã thể hiện mối liên hệ giữa quyền lực của Hoàng đế với Thiên Địa Thần minh, cổ nhân nói quân quyền Thần thụ (quyền lực của hoàng đế là do Thần trao cho). Mà các quân vương trong các thời đại lịch sử vì trên thuận Thiên mệnh, dưới hòa hợp vạn dân, nên trong quá trình sửa đổi niên hiệu, họ thường sử dụng những từ ngữ thuần chính tốt đẹp, vĩ đại, thần thánh, mang hàm ý kỷ niệm, khai sáng, cầu phúc, như thiên, càn, vĩnh, kiến, thần, long, phụng, đại, thái, nguyên, duyên, chính, quang, cảnh, khai, gia v.v.
Đương nhiên, khi chọn đặt tên niên hiệu, rất nhiều tên được lấy trực tiếp từ “Đạo Đức Kinh”, “Chu Dịch” và một số kinh điển Đạo gia. Trong “Đạo Đức Kinh” viết: “Minh Đạo nhược muội. Tiến Đạo nhược thoái. Di Đạo nhược lỗi. Thượng Đức nhược cốc. Đại bạch nhược nhục. Quảng đức nhược bất túc. Kiến đức nhược thâu.” (Dịch nghĩa: Đạo sáng dường như tăm tối. Đạo tiến dường như thoái lui. Đạo bình đẳng dường như khiếm khuyết. Đức cao dường như sâu trũng. Rất thanh sạch dường như nhục nhã. Đức rộng lớn dường như thiếu sót. Kiến lập Đức dường như mệt mỏi.) (5) Chỉ ngắn ngủi đôi câu, đã sinh ra bốn niên hiệu như “Minh Đạo”, “Thượng Đức”, “Quảng Đạo”, “Kiến Đức”.
Thời xưa có rất nhiều đế vương tôn sùng Lão Tử, coi “vô vi nhi trị” là tiêu chuẩn tối cao của chính trị. Hoàng đế tuy là bậc thiên tử cao quý, nhưng từ một góc độ khác mà nói, họ giống như những “người tu luyện” được Thần tuyển chọn hơn, mỗi khi tu luyện có thành tựu, ví như có thể bình loạn, an dân, kiên trì tu sửa chính trị có lợi cho dân, chỉnh đốn tác phong và uy tín của quan lại, thì Thiên thượng sẽ triển hiện điềm lành. Nếu như Hoàng đế lười biếng chểnh mảng việc “tu luyện”, dẫn tới một loạt những vấn đề như cai trị mu muội, trong lo ngoài họa, Thiên thượng tất sẽ dùng dị tượng cảnh báo, nếu như Hoàng đế không biết hối cải thì Thiên thượng sẽ giáng thiên tai.
Vì vậy khi đặt niên hiệu, rất nhiều vị Hoàng đế sẽ thay đổi niên hiệu khi thấy trong thiên hạ xuất hiện điềm lành. Ví như thời kỳ Hán Tuyên Đế, sách “Hán Thư” viết: “Tháng hai mùa xuân năm thứ hai, chiếu viết: ‘Vì tháng giêng năm Ất Sửu có phượng hoàng, cam lộ giáng xuống kinh thành, chim chóc tụ tập vô số. Trẫm vô đức, lại được Trời ban phúc, kính cẩn hành sự không dám lười biếng, xá tội thiên hạ.’” Vì sự xuất hiện các điềm lành như phượng hoàng tụ tập, trời giáng cam lộ tại hoàng cung nên Hán Tuyên Đế đã đổi niên hiệu thành Cam Lộ.
Thời Đường Cao Tông (năm 664), sách “Tư Trị Thông Giám” viết: “Năm trước nhìn thấy con kỳ lân xuất hiện tại Giang Châu, cũng thấy dấu vết của lân trước điện Hàm Nguyên, vì vậy cải niên hiệu”. Vì sự xuất hiện của kỳ lân nên Hoàng đế đã đổi niên hiệu thành Lân Đức.
Điềm lành là sự khích lệ của Thiên thượng mong muốn đế vương làm tốt hơn nữa, nhưng có vị Hoàng đế lại trầm mê trước điềm lành. Điều này khiến không ít kẻ tiểu nhân thừa cơ trục lợi, bịa đặt đủ loại điềm lành để lấy lòng Hoàng đế, nếu không phân biệt rõ ràng tất sẽ gây nguy hại quốc gia.
Đường Thái Tông hiểu sâu sắc sự nguy hại của việc đế vương trầm mê vào điềm lành, nên từng nói với các đại thần rằng: “Gần đây trẫm thấy chúng nhân bàn luận, coi điềm lành là việc đại hỷ, nhiều lần có bản tấu chúc mừng. Theo ý trẫm, chỉ cần làm cho thiên hạ thái bình, mọi nhà đều no cơm ấm áo thì dù không có điềm lành gì cũng có thể sánh với Nghiêu Thuấn. Nếu trăm họ cơm áo không đủ, ngoại tộc khuấy nhiễu Trung Quốc thì dẫu linh chi tiên dược mọc khắp bên đường, phượng hoàng làm tổ trong ngự uyển cũng có khác gì Kiệt Trụ? Từng nghe nói thời Hậu Triệu Thạch Lạc, có viên quan quân đốt gỗ liên lý luộc trĩ trắng để ăn, lẽ nào Thạch Lạc đáng được gọi là quân chủ anh minh? Lại có chuyện Tùy Văn Đế rất thích điềm lành, nên phái Bí thư giám Vương Thiệu mặc lễ phục, trước mặt quan Triều tập sứ các châu trên triều đốt nhang đọc “Hoàng Tùy cảm thụy kinh”, quả thực là nực cười. Thân làm vua phải nên chí công vô tư trị vì thiên hạ, khiến bách tính vui mừng. Ngày trước, Nghiêu Thuấn ở trên, trăm họ tôn kính họ như tôn kính trời đất, yêu họ như yêu cha mẹ mình. Họ phát hiệu lệnh, nhân dân đều vui vẻ làm theo, đó mới là điềm lành lớn nhất. Từ nay về sau, điềm lành ở các châu không cần phải dâng tấu” (6).
Đế vương thánh minh thật sự sẽ không vì điềm lành mà động tâm. Điều này đã thể hiện tại hai chữ “Trinh Quán” trong niên hiệu của Đường Thái Tông. Trinh Quán là được lấy từ “Chu Dịch – Hệ từ hạ”: “Thiên địa chi đạo, trinh quán giả dã” (Dịch nghĩa: Đạo của trời đất là trung thành và có quy tắc). Triều đại Thái Tông chỉ dùng một niên hiệu Trinh Quán làm khuôn mẫu trị quốc đúng đắn triển hiện cho hậu thế. Hai chữ Trinh Quán ngắn ngủi nhưng lại có sức nặng cực lớn trong tâm khảm của người Trung Quốc.
Sau khi dân tộc Mông Cổ làm chủ Trung Nguyên, đã kiến lập một đế quốc hùng mạnh vô song trên thế giới. Năm 1264, Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã đổi niên hiệu thành “Chí Nguyên” và sử dụng nó trong 31 năm, hai chữ “Chí Nguyên” này cũng là xuất phát từ “Chu Dịch”, chí tai khôn nguyên (7).
Đến thời Minh Thanh, xét thấy sự bất tiện do thường xuyên thay đổi niên hiệu, các Hoàng đế không còn thay đổi niên hiệu nữa, trừ lúc đăng cơ. Vì vậy, các thế hệ sau sử dụng niên hiệu để gọi Hoàng đế, chẳng hạn như Vĩnh Lạc Đại đế, Hoàng đế Gia Tĩnh, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, v.v.
Khải thị từ việc thay đổi niên hiệu khi gặp thiên tai nhân họa
Tất nhiên, không giống như người hiện đại, người xưa có nhận thức riêng về việc tai họa xuất hiện và biến mất. Khi thiên hạ xảy ra thiên tai tương đối lớn, có vị Hoàng đế sẽ chọn cách đổi niên hiệu để trừ tai họa.
Thời Hán Tuyên Đế, năm 69 TCN, “Tháng tư mùa hạ năm Nhâm Dần, 49 quận trên toàn quốc xuất hiện địa chấn, hoặc nước dâng núi đổ” (Hán Thư). Lúc đó xảy ra một trận động đất rất lớn, ngay cả miếu thờ tổ tiên cũng bị phá hủy.
Hán Tuyên Đế hạ chiếu chỉ: “Thiên tai dị tượng là cảnh báo của thiên địa. Trẫm kế thừa nghiệp lớn, phụng thờ tông miếu, được sự uỷ thác của sĩ nông, nhưng lại không hòa hợp với dân chúng. Khiến động đất ở Bắc Hải, Lăng Nha, làm hư hại tông miếu, trẫm rất lo sợ. Thừa tướng, Ngự sử, Liệt hầu, Trung nhị thiên thạch cùng các học sĩ, lập tức ứng biến, phụ giúp trẫm bù đắp thiếu sót, chớ có tránh né. Lệnh cho Tam Phụ quan (ba vị quan quản lý hành chính tại địa phương gần Trường An thời Hán), Thái Thường (quan phụ trách thờ cúng tổ tiên), các quận và chư hầu trong nước cử người hiền lương chính trực. Luật lệnh có thể giảm trừ để an bách tính. Người bị thiệt hại nặng do động đất miễn thu tô thuế”. (Hán Thư)
Hán Tuyên Đế nhìn nhận rằng, tai họa là lời cảnh báo của trời đất, vì không thể “hòa hợp với dân chúng” mà làm trời nổi giận. Vì vậy, nhà vua thay đổi trang phục trắng kiểm điểm lỗi lầm của mình, năm ngày không lên chính điện. Sau đó đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu thành Địa Tiết.
Nhiều người nói rằng, tại sao bách tính lại phải gánh chịu khi Hoàng đế làm điều không tốt? Thực ra không phải như vậy. Sinh mệnh là một hệ thống rất to lớn, phức tạp. Lấy thân thể con người làm ví dụ, Hoàng đế giống như nội tâm, tư tưởng của con người, chỉ đạo cơ thể con người làm các việc. Nếu tư tưởng mong muốn thức khuya hoặc uống rượu, thì sau đó cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nôn mửa hoặc sinh bệnh. Trên thực tế, đó là để nhắc nhở bản thân rằng làm như vậy là có hại cho cơ thể. Vì vậy, con người sẽ chọn uống thuốc, điều chỉnh công việc, nghỉ ngơi, bỏ những thói quen không tốt để cải thiện sức khỏe, hồi phục lại trạng thái bình thường. Kỳ thực, thân thể phản ánh ra trạng thái tiêu cực này và việc Thiên thượng tạo ra dị tượng là vô cùng giống nhau.
Nhưng mỗi người đều là một sinh mệnh riêng lẻ, đời đời kiếp kiếp đã làm rất nhiều việc xấu. Thần chỉ là lợi dụng nghiệp lực vốn có của con người để trừng phạt con người và cảnh tỉnh đế vương. Bởi vì luật của Trời đất là tuyệt đối công bằng. Những người bị trừng phạt cũng không phải là rơi vào bước không thể quay lại được. Nếu người này vì vậy mà trả hết nợ nghiệp, thì sau này sẽ được hạnh phúc.
Trên thực tế, ác báo cũng là biểu hiện đặc thù của việc Thần vẫn đang bảo hộ con người. Nhưng nếu Hoàng đế kính Trời tin Thần, siêng năng tu sửa chính trị lợi dân, thiện hóa dân chúng, thì cũng sẽ khiến những thiên tai này giảm bớt hoặc tiêu trừ, đây là Thần thấy con người tốt lên rồi mà thay con người chịu nhận.
Nhân tiện, tương tự như việc Hoàng đế đổi niên hiệu, nhiều người sẽ đổi tên khi họ gặp một số biến cố hoặc cuộc sống không suôn sẻ, nhằm thay đổi vận mệnh của mình. Trên thực tế, muốn cải biến vận mệnh thì ngoại trừ việc kính Thiên kính Thần, tu đức hành thiện ra thì dùng các phương thức khác hầu như đều vô ích. Dù nhất thời có thể làm được, cũng chỉ trì hoãn khổ nạn đến nửa đời sau hoặc về sau mà thôi. Chỉ có thực sự triệt để thay đổi từ trong ra ngoài, làm lại cho tốt từ đầu thì mới là con đường đúng đắn, đổi tên chỉ là hình thức bề ngoài, ý nói với Thiên thượng rằng bản thân muốn đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm, việc này có chút tác dụng nhưng không phải là mấu chốt. Điều này cũng khiến nhiều người không hiểu rõ đạo lý đằng sau mà bỏ gốc lấy ngọn, xem việc đổi tên như là cách duy nhất để cầu may, tránh họa.
Một ví dụ điển hình là Tống Nhân Tông. Vào năm 1034, sau nhiều năm hạn hán liên tiếp, ông đã đổi niên hiệu thành “Cảnh Hữu”. Vào năm Khánh Lịch thứ chín (năm 1049), ông cũng lại vì hạn hán mà đổi niên hiệu thành “Hoàng Hữu”. Sau lại vì nhật thực nên niên hiệu được đổi thành “Chí Hòa”. Tất cả là do lối suy nghĩ này.
Thời đại ngày càng phát triển, đạo đức con người cũng dần dần sa sút, con người ngày càng rời xa Thần, như vậy Thần tích và điềm lành cũng không triển hiện trước mặt thế nhân nữa, đặc biệt từ khi Trung Cộng soán đoạt chính quyền, trắng trợn tuyên truyền thuyết vô thần, mắng trời chửi đất, cưỡng bức đoạt tuyệt mối liên hệ giữa Thần và con người.
Khi Trung Cộng tiêu diệt văn hóa truyền thống Trung Quốc theo kiểu nhổ cỏ tận gốc thì chế độ niên hiệu vốn được truyền thừa nghìn năm cũng bị nhổ bỏ. Dân chúng lớn lên trong những lời dối trá, sinh tồn trong triết học đấu tranh mà mất đi khả năng phân biệt thiện ác, thật giả, đẹp xấu.
Đối với các hiện tượng thiên tai dị tượng, Trung Cộng có một bộ hoàn chỉnh quy trình “tang sự hỷ biện” (8) cùng với cái gọi là giải thích “khoa học”, hoàn toàn trái ngược với quan niệm tư tưởng tự xét bản thân của các vị vua trong lịch sử mấy nghìn năm qua.
Cho nên người ta phát hiện ra rằng các loại thiên tai dị tượng càng ngày càng thường xuyên, càng ngày càng cực đoan. Người hiện đại quy kết chung chung là hiện tượng tự nhiên chứ không còn thảo luận sâu đến mối quan hệ giữa Trời và đất, Thần và người.
Trong vòng chưa đầy hai thập niên, tại Trung Quốc đã liên tiếp bùng phát đại dịch SARS và COVID-19. Người ta kinh ngạc phát hiện rằng, phần đông người chết vì bệnh là các đảng viên Đảng cộng sản và những người hùa theo Đảng. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn duy trì thủ đoạn cũ, một mặt cật lực che đậy số người chết, một mặt lớn tiếng khoe khoang chống dịch thắng lợi. Trên thực tế, những ai hiểu đều biết rằng đây là đại kiếp do Trung Cộng bức hại Pháp Luân Đại Pháp gây nên. Như Đổng Trọng Thư đã nói: “Quốc gia sắp xảy ra hiện tượng xấu, trái với đạo đức, trước tiên ông Trời sẽ cho xuất hiện thiên tai để nhắc nhở, khiển trách nhà vua. Nếu như không biết tự mình phản tỉnh, thì lại xuất hiện hiện tượng quái dị để cảnh cáo thêm. Nếu vẫn còn chưa biết hối cải vậy thì tổn hại và bại vong sẽ giáng xuống”.
Kết luận
Niên hiệu là một quyển sách lịch sử cô đọng, khi chúng tôi vô tình đọc được “Khang Càn thịnh thế” và “Trinh Quán chi trị”, thì lượng thông tin khổng lồ ẩn tàng trong niên hiệu được đánh thức với tốc độ cực nhanh, dường như những biến đổi thăng trầm, hưng suy vinh nhục của lịch sử từ lâu đã hòa tan vào máu huyết chúng tôi. Trong toà cung điện được xây dựng bởi nền văn minh Thần truyền này, văn hóa niên hiệu toả sáng rực rỡ, nó là sự đúc kết vô cùng cô đọng trí huệ của người xưa, nó cố gắng nói với chúng ta rằng, kính Thiên tín Thần, thuận Thiên hành sự là con đường đúng đắn duy nhất để bảo hộ chính mình và kéo dài nền văn minh.
—
Chú thích của người dịch:
(1) Chữ Thú trong Nguyên Thú này nghĩa là săn bắt chứ không phải nghĩa là con vật.
(2) Hoàng Lão Đạo là tiền thân của Thái Bình Đạo, một giáo phái của Đạo giáo. Hoàng là Hoàng Đế, Lão là Lão Tử. Tư tưởng Hoàng Lão bắt nguồn từ các Đạo gia thuộc học phái Tắc Hạ thời Chiến Quốc, đến đầu đời Tây Hán nó biến thành một trào lưu triết học và chính trị mạnh, chủ trương thanh tĩnh vô vi, cho dân nghỉ ngơi, nới tay trị dân. Đến đời Đông Hán, học phái này trở thành tôn giáo, thờ Hoàng Đế và Lão Tử. Chịu ảnh hưởng của Hoàng Lão Đạo, Trương Giác nổi lên, tự xưng là «Đại Hiền Lương Sư», sáng lập Thái Bình Đạo, phát động khởi nghĩa gọi là Hoàng Cân khởi nghĩa mà sử gọi là giặc Khăn Vàng.
(3) Bác sĩ là tên một chức quan trong lịch sử Trung Quốc, có nguồn gốc từ thời Chiến Quốc. Những người giữ chức “bác sĩ” làm nhiệm vụ bảo quản hồ sơ tài liệu, biên soạn sáng tác, tinh thông kim cổ, truyền thụ học vấn, bồi dưỡng nhân tài, v.v.
(4) Phong thiện: Trong các lễ tế, phong thiện là đại lễ quan trọng nhất. “Bạch Hổ thông văn” viết: “Bậc đế vương thụ mệnh Trời phải làm lễ phong thiện. Phong, là trên cao; Thiện, là dày rộng. Trời cao tôn kính, Đất chứa đức dày. Nên lấy Thái Sơn cao vút mà báo cáo Trời cao, đứng trên núi Lương Phụ mà lễ tạ Đất dày”.https://www.ntdvn.net/han-vu-de-phan-11-thua-thien-menh-tam-lan-phong-thien-thai-son-329511.html
(5) Tham khảo bản dịch: https://viecvathangngay.blogspot.com/2015/03/ao-uc-kinh-chuong-41-lao-tu.html
(6) Tham khảo sách “Trinh Quán Chính Yếu”, tác giả: Ngô Hách, bản dịch của Tiến Thành.
(7) Chu Dịch: “Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên” (Dịch nghĩa: Cùng tột thay cái đức đầu cả của Khôn, muôn vật nhờ nó mà sinh ra, bèn thuận theo trời). https://shorturl.at/dwN18
(8) Tang sự hỷ biện: Khi người dân gặp tai hoạ, chính quyền lảnh tránh không truy tìm nguyên nhân gây ra tai hoạ mà chỉ ca ngợi công lao của đảng đã giúp đỡ người dân bị hoạn nạn.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/286429
Ngày đăng: 26-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org