Một con tàu đang hành hải trên biển khi một con sóng lớn bất ngờ ập đến trong Vịnh Biscay. Ảnh được xuất bản vào mùa thu năm 1993 trong Nhật ký thời tiết của Mariner. Nguồn: Thư viện ảnh NOAA/Phạm vi công cộng
‘Sóng sát thủ’ (Rogue wave) tưởng như chỉ là huyền thoại, nhưng gần đây các nhà khoa học đã xác thực sự tồn tại của chúng. Loại sóng này được gọi là hung thần đại dương và được cho là đã phá hủy nhiều tàu trọng tải lớn và đoạt nhiều mạng người trong thế kỷ 20.
Vào tháng 11 năm 2020, một con ‘sóng sát thủ’ kì lạ bất ngờ ập đến, nâng một chiếc phao của các nhà nghiên cứu khoa học ở ngoài khơi bờ biển British Columbia lên cao 17,6 mét. Một cơn sóng sát thủ khác tương đương với toà nhà bốn tầng cũng đã được ghi nhận vào tháng 2 năm 2022, theo Science Alert.
Sóng sát thủ là gì?
Theo Wikipedia, sóng sát thủ hay còn gọi là sóng độc, sóng lừng (tiếng Anh: rogue wave, freak wave hoặc monster wave) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ và đơn độc trên biển với kích thước khổng lồ, chiều cao có thể hơn 20-30 mét. Với chiều cao này, sóng độc trở thành mối hiểm họa không thể lường trước ngay cả với những tàu biển có trọng tải lớn.
Cần phải phân biệt sóng độc với sóng thần – loại sóng sinh ra từ địa chấn và chỉ xuất hiện ở những vùng nước nông – gần bờ.
Những nghiên cứu mới đây trong phạm vi dự án MaxWave (sóng cực đại) – một dự án khảo sát bề mặt đại dương với sự trợ giúp của 2 vệ tinh ERS-1 và ERS-2 thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) – đã ghi nhận được trong vòng 3 tuần xuất hiện trên các đại dương 10 ngọn sóng sát thủ với chiều cao hơn 25 mét.
Những phát hiện này đã buộc phải có sự nhìn nhận lại về nguyên nhân đắm của những con tàu vận tải biển khổng lồ trong 2 thập kỷ trước.
Xác thực sự tồn tại của loại sóng độc
Đã có một thời gian dài người ta không tin vào sóng sát thủ, cho đó là điều ảo tưởng, vì sự xuất hiện của nó không nằm trong một quy luật sóng biển nào, đồng thời cũng không đủ chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của nó.
Mãi đến năm 1995, huyền thoại đó mới được ghi nhận trong thực tế. Đó là vào ngày đầu tiên của năm mới, một cơn sóng sát thủ cao gần 26 mét đã bất ngờ ập vào giàn khoan dầu khí cách bờ biển Na Uy khoảng 160 km. Con sóng sát thủ Draupner này đã phá vỡ tất cả các mô hình mà các nhà khoa học đã tổng hợp lại và đưa ra dự báo.
Kể từ đó, hàng chục con sóng sát thủ khác đã được các nhà khoa học xem xét ghi lại (một số thậm chí ở các hồ). Các nhà khoa học đã ghi lại một cơn sóng sát thủ ở gần Ucluelet, Đảo Vancouver, nó không phải là con sóng cao nhất được ghi nhận, nhưng chiều cao của nó so với những con sóng xung quanh là chưa từng được xác nhận, cao gần gấp 3 lần so với những cơn sóng xung quanh nó.
Nghiên cứu giảm thiểu rủi ro cho ngành hàng hải
Các nhà khoa học đã đưa ra định nghĩa sóng sát thủ (rogue wave) là bất kỳ sóng nào cao hơn gấp đôi chiều cao của sóng xung quanh nó. Ví dụ, làn sóng Draupner cao 25,6 mét, trong khi làn sóng lân cận chỉ cao 12 mét.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem sóng sát thủ được hình thành như thế nào để chúng ta có thể dự đoán tốt hơn khi nào chúng sẽ xuất hiện. Điều này bao gồm việc chạy các mô hình với các loại gió nhân tạo và sự chuyển động của đáy biển và ghi nhận lại các cơn sóng trong thời gian thực.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Chiếc phao đón sóng tại Ucluelet được viện nghiên cứu MarineLabs đặt ngoài khơi cùng với hàng chục chiếc khác trong nỗ lực tìm hiểu thêm về các mối nguy hiểm ở các vùng biển sâu.
May mắn thay, cả Ucluelet và Draupner đều không gây ra thiệt hại nghiêm trọng hay cướp đi sinh mạng nào, nhưng những làn sóng sát thủ khác thì có.
Ví dụ, một số con tàu bị mất tích vào những năm 1970, hiện được cho là đã bị đánh chìm do những đợt sóng ập đến bất ngờ. Những mảnh vỡ trôi nổi còn sót lại trông giống như tác phẩm của một chiếc mũ trắng khổng lồ.
Một nghiên cứu năm 2020 đã dự đoán chiều cao sóng ở Bắc Thái Bình Dương sẽ tăng lên. Scott Beatty, Giám đốc điều hành của MarineLabs cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới cải thiện sự an toàn cho các hoạt động hàng hải và cộng đồng ven biển thông qua việc đo lường rộng rãi các đường bờ biển của thế giới”.
NTD Việt Nam