Cảnh đêm ở sân Napoléon của Bảo tàng Louvre. (Chương Nhạc / Epoch Times)
Tất cả những điều này khiến Paris trở thành thủ đô của châu Âu. Paris trở thành một khối nam châm, thu hút rất nhiều tinh hoa của thế giới, trở thành thành phố lớn nhất châu Âu thời bấy giờ.
Trong khi chúng tôi đang viết bài về thành phố Paris ở thế kỷ 17, một vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ở thành phố này (năm 2015). Nhiều người gọi đó là cuộc chiến đẫm máu chưa từng có. Thực ra, vụ tấn công này không phải là cuộc chiến giữa nền văn minh và sự man rợ, cũng không phải là cuộc chiến giữa các tôn giáo. Nguyên nhân của vụ tấn công này rất sâu xa.
Thế nhưng cuộc tấn công máu lạnh trên đã khơi gợi tình cảm giữa con người với nhau. Đèn trên Tháp Eiffel được tắt đi, các công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp thế giới đã thắp sáng biểu tượng của tự do, bình đẳng và bác ái, bằng lá cờ ba màu đỏ, trắng và xanh của nước Pháp. Một biển quảng cáo ở đường phố New York viết rằng: “New York yêu Paris”. Thành phố Liverpool thức đêm cho Paris, và tòa nhà Taipei 101 cũng thắp sáng bằng ánh sáng ba màu đỏ, trắng và xanh trong màn sương để cầu nguyện cho thành phố này.
Những ngọn đèn ở Paris không bao giờ tắt. Đó là thời điểm mà mọi người đứng cùng nhau. Chúng ta cùng tuyên chiến với bóng tối và cuộc chiến đã bắt đầu.
Hãy cùng nhau nhớ lại sự hình thành của thành phố vĩ đại này. Chúng ta sẽ quay lại thế kỷ 17, khi vị Vua Mặt Trời từng bước xây dựng một thành phố được người dân trên khắp thế giới yêu mến, đưa châu Âu tiến vào một thời kỳ tiến bộ và khai sáng. Vua Louis XIV làm thế nào để dùng đèn đường thắp sáng những con phố tối tăm của Paris, dựng lên bức tượng của những vị Thần, xây dựng những cây cầu lớn hay công trình kiến trúc và quảng trường hùng vĩ, để lại cho thế giới những biểu tượng vĩnh cửu trên mảnh đất Paris còn hoang vắng khi ấy.
Paris: Thành phố lý tưởng
Nước Pháp mà chúng ta biết đến ngày nay có rất nhiều dấu ấn do vua Louis XIV để lại. Những lá chắn tự nhiên khi vua Louis XIV mở mang bờ cõi như dãy núi Pyrenees, dãy núi Alps, sông Rhine và biển Địa Trung Hải đang bảo vệ đất nước có huyết thống cao quý của châu Âu.
Những dấu ấn của vua Louis XIV không chỉ dừng lại ở đó. Từ văn hóa, ngôn ngữ cho đến cuộc sống, vị hoàng đế này đã để lại nhiều dấu ấn lâu dài cho nước Pháp hiện đại và cho cả nền văn minh nhân loại. Ông không chỉ xây dựng nền văn hóa châu Âu mà còn vẽ nên một hình mẫu cho cuộc sống thời hiện đại. Từ thời trang, xe ngựa kéo, bánh mì trắng cho đến sách báo, những dấu vết của thời đại Louis XIV vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Có thể nói rằng: Dù sống trong thế kỷ 21 với công nghệ số hóa hiện đại, cho dù trong lĩnh vực nghệ thuật hay cuộc sống, chúng ta đều là những người thừa kế của di sản của Hoàng đế Louis XIV.
Là một thành phố, Paris chính là di sản lớn nhất do vua Louis XIV để lại. Ông từng mơ ước biến Paris thành thành phố Rome mới. Rome là nơi khai sinh ra văn minh phương Tây, là một trong những thành phố lớn đầu tiên trên thế giới, một trung tâm của văn hóa và nghệ thuật, một thành phố bất tử và là thủ đô của thế giới. Khi Hoàng đế Louis XIV bắt đầu cải tạo Paris vào thế kỷ thứ 17, đây chính là thành phố lý tưởng trong tâm trí ông.
Một thành phố thơ mộng
Khó có thể tượng tượng tại sao mọi người vẫn say mê thành phố này như vậy. Nước Pháp ngày nay là một trong những điểm thu hút nhiều du khách nhất trên khắp thế giới, và đối với nhiều người, từ “Paris” vẫn có một sức hút quyến rũ đầy mê hoặc.
Cách đây 300 năm, Paris vẫn là một thành phố của thời kỳ Trung cổ. Những con đường hẹp uốn khúc, những ngôi nhà thấp chen chúc nhau. Không khí không được lưu thông, mỗi góc phố đều tràn ngập mùi tanh khó chịu, thiếu thiết bị vệ sinh và nước sạch. Người dân phơi đồ, tắm rửa bên bờ sông Seine, nước sông đục và có mùi hôi. Ban đêm, không gian đầy tối tăm, ẩn chứa nhiều nguy hiểm và tội ác.
Nhưng cũng giống như việc vua Louis XIV kiên trì xây dựng cung điện Versailles trên một đầm lầy, và buổi lễ mừng cung điện Versailles vào đầu triều đại của mình với màn bắn pháo hoa rực rỡ, chiếu sáng bầu trời và cây cối, giờ đây trong một mái tóc dài nâu bồng bềnh, giống như một con sư tử trẻ tuổi, Louis đã thể hiện ý chí và sức tưởng tượng đáng kinh ngạc của mình.
Ông ta ra lệnh phá bỏ tường thành cũ của Paris, mở rộng những con đường hẹp uốn khúc và lát đá lên mặt đường một cách ngay ngắn. Từng chút một, những con đường rộng lớn được lát đá, và cây cối được trồng ở hai bên con đường. Lúc đó, ở châu Âu, chưa có thành phố nào rộng lớn và bằng phẳng như Paris. Ngay cả đường phố ở Roma cũng không bằng phẳng như những con đường của Paris. Để biến Paris trở thành nơi thích hợp cho con người sinh sống, ông đã cho xây dựng cầu và quảng trường lớn ở khắp nơi.
Vào khoảng năm 1661, Paris đã phát minh ra những chiếc xe ngựa có lò xo và kính cửa sổ. Không lâu sau đó, phát minh này đã lan rộng khắp châu Âu. Từ chỗ có những lúc phải hoảng sợ khi leo xuống lưng ngựa, người dân đã chuyển sang sử dụng những chiếc xe ngựa thoải mái và hiện đại hơn. Đối với khách đi đường, những rung xóc khi đi xe ngựa không có lò xo là một sự tra tấn không thể tả nổi. Bởi vậy, xe ngựa có lò xo đã có đóng góp rất to lớn cho hoạt động đi lại đường bộ của con người.
Năm 1667, Paris bắt đầu gắn đèn dầu cho những các con đường tối tăm. Cả thành phố được trang bị 5.000 bóng đèn đường, chiếu sáng đêm tối ở Paris. Mọi người có thể đi dạo theo đèn đường và có nhiều hoạt động như ban ngày. Từ đó trở đi, ban đêm ở Paris đã cất tiếng nhạc và tiếng cười. Giống như một ngọn lửa cháy ở trong khu rừng ở thời kỳ đồ đá, đèn đường đã đẩy lùi bóng tối ở Paris. Phải nhiều năm sau, các thành phố ở châu Âu mới bắt đầu mô phỏng hệ thống chiếu sáng của Paris.
Sau khi xua đuổi bóng đêm, nhà vua ra lệnh cho kỵ binh và lính canh luân phiên trực 24 giờ trong thành phố còn bất ổn khi đó, đồng thời cho người làm sạch đường phố. Tiếp theo, giống như đính những viên ngọc lên chiếc vương miện, trên các con đường của Paris bắt đầu xuất hiện các kiệt tác của nghệ thuật: bức tượng của các vị thần.
Xe ngựa chạy trên những con đường lớn, mái vòm trang nghiêm của Viện Hàn lâm, những kiến trúc văn hóa trên bờ sông Seine, ánh sáng phản chiếu từ mặt nước sông. Trên mặt đất, đã có một thành phố lý tưởng cho con người
Cuộc sống mới trong thế kỷ 17
Cùng với sự thay đổi về môi trường sống, cuộc sống của con người cũng có một diện mạo mới. Các quý ông và quý bà thường xuyên tham dự những buổi biểu diễn nghệ thuật trong các nhà hát hoành tráng của hoàng gia, hay dạo chơi trên các con đường cây cối và quảng trường.
Con người trở nên lịch lãm và thong thả, cuộc sống xã hội trở nên ấm áp và trí thức hơn. Các cận thần được rèn luyện theo lễ nghi triều đình của vua Louis XIV không còn vô lễ, cao ngạo, người dân, ngay cả những người vốn khô khan, thô lỗ cũng dần dần thay đổi. Họ dạo chơi trên các quảng trường và những khu vườn với cây cỏ tươi tốt, đi qua những bức tượng đứng ở góc đường, và không còn sợ bị bóng tối. Người dân Paris như thay da đổi thịt, trở thành những con người lịch lãm và tinh tế.
Trên đường phố lớn của Paris, những chiếc xe ngựa thời thượng đua nhau qua lại, bên trong là những nam thanh nữ tú ăn mặc thời trang. Paris hít thở không khí văn minh, một loạt phát minh mang tính hiện đại được tạo ra, đưa cuộc sống của con người tiến vào thời đại mới.
Năm 1710, doanh nhân Paris Jean Marius phát minh ra chiếc ô có thể gập lại. Từ đó, trời mưa không thể ngăn cản con người đi lại thoải mái và cũng không làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày. Như vậy, không gian sống của con người đã được mở rộng. Người dân Paris đi dạo trong mưa với chiếc ô màu xanh tươi sáng hay màu đỏ rực rỡ, trong những bộ váy dài hoặc áo đầm đã trở thành một tượng đài mới của nền văn minh.
Thực tế, trong thế kỷ vĩ đại này, cuộc sống của con người đã có những biến đổi lớn về ăn uống, ăn mặc, đi lại. Nếu nhìn kỹ trang phục của các quý tộc trong những bức tranh thời Louis XIV, chúng ta sẽ hiểu rõ “thời trang” trong cung đình của Vua Mặt Trời mà người ta ngày nay vẫn say mê là gì. Tóc dài xoăn, tay áo dài rộng, khăn thắt lưng rộng lộng lẫy, dài đến đầu gối, đường may hoàn hảo, chất liệu lộng lẫy và màu sắc phong phú, cùng với tư thế duyên dáng của quý tộc, đôi chân cơ bắp trong đôi tất chân.
Tất cả những điều này tạo nên một phong cách đặc biệt và riêng biệt cho triều đình của vua Louis XIV. Quay đầu nhìn lại, chúng ta sẽ nhìn thấy ở đây một loại khí chất không thể mô phỏng được. Những bộ trang phục mang phong cách nghệ thuật này dường như biến con người trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Toàn bộ triều đình của Hoàng đế Mặt Trời tràn ngập một loại khí chất quý tộc cho chúng ta thấy rằng văn hóa là gì, con người nên có trạng thái như thế nào.
Dưới sự đi đầu của vua Louis XIV, ở tầng lớp thượng lưu, bánh mì trắng tinh xảo đã thay thế bánh mì đen thô ráp. Vua Louis XIV đã đặt ra tiêu chuẩn sản xuất xà phòng Marseilles, và còn lưu truyền đến ngày nay dưới dạng xà phòng cao cấp sản xuất theo phương pháp cổ điển.
Sự phổ biến của loại tóc giả xa hoa kiểu La Mã không chỉ thay đổi diện mạo của quý ông và quý bà, mà còn khởi đầu cho ngành công nghiệp tạo kiểu tóc. Trong một bức tranh khắc bản, một thợ làm tóc đứng sau, chỉnh lại bộ tóc giả màu trắng xoăn dài cho một chàng trai đang cười đùa và cầm gương soi. Trong một thời đại coi trọng vẻ đẹp nghệ thuật như thế, xu hướng tạo kiểu tóc mùa giống hiện nay đã bắt đầu xuất hiện.
Hãy tưởng tượng rằng: một anh chàng đẹp trai đội tóc giả, thơm ngát bước lên xe ngựa. Xe ngựa chậm rãi lướt trên đại lộ rộng lớn. Nhìn ra qua cửa kính, hai bên là những cây cao vút đang lay trong gió. Không lâu sau, chiếc xe ngựa đi qua cung điện Louvre. Khi đó, Học viện Kịch nghệ, Học viện Hội họa và Điêu khắc, và Viện hàn lâm Pháp đã chuyển đến đây, được thiết kế lại và hồi sinh. Nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng đang ở tầng trệt của cung điện dưới lời mời của Vua Mặt Trời. Nếu đây là một chàng trai có xu hướng nghệ thuật, có lẽ trong buổi chiều thu khi đi qua cung điện Louvre đã thắp đèn dầu, trái tim chàng trai này có thể có chút buồn.
Khi hoàng hôn buông xuống, chiếc xe ngựa của chàng trai đến bờ sông Seine. Cách đó không xa là nhà thờ Đức Bà Paris đậm chất cổ điển. Ánh mắt của chàng trai vô tình bị một nhóm đánh xe ngựa bên bờ sông thu hút. Những người này có mái tóc ngắn, quấn một mảnh vải dày quanh eo, áo tay rộng được cuộn lên cao, để lộ đôi bắp tay màu nâu đậm. Khi bốc dỡ hàng hóa nặng, cằm và cổ của những người thợ căng cứng lên. Một tài xế xe ngựa có vẻ già, có nếp nhăn trên cánh tay, tóc bạc pha trắng, ngồi cúi xuống, vỗ về và nói chuyện với con ngựa. Một con ngựa màu nâu sẫm với đôi chân to nghiêng đầu lên và đưa mũi ra để hít một hơi mạnh, mở miệng uống nước từ bể.
Một cơn gió đêm thổi qua mặt sông Seine, chàng trai trẻ lên xe ngựa và lại đi trên đại lộ. Trên con đường lớn, ánh trăng vàng xuyên qua tán cây. Bất ngờ xuất hiện một bức tượng lớn ở bên phải, đó là bức tượng Hoàng đế Mặt Trời cầm kiếm ngồi trên lưng ngựa.
Cách mạng trong cuộc sống xã hội
“Kể từ thời kỳ cuối đời của Richelieu đến những năm sau cái chết của vua Louis XIV, cũng giống với hệ thống chính trị, đã có một cuộc cách mạng toàn diện trong nghệ thuật, tinh thần và phong tục của chúng ta”. (Voltaire, “Thời đại của Louis XIV”). Trong lĩnh vực tri thức, châu Âu cũng có một cuộc cách mạng tương tự.
Vào thế kỷ 17, châu Âu vẫn còn bị ám ảnh bởi phép thuật, và những lời đồn đại về phép thuật thâm nhập vào cả triều đình. Năm 1672, vua Louis XIV ra lệnh cho tòa án dừng xử lý các vụ kiện liên quan đến phép thuật. Dần dần, lý trí đã xua tan bóng tối của sự mê tín. Khi Paris trở thành một thành phố văn minh, bóng đen của phù thủy thời Trung Cổ và sự mê tín hoang đường của dân chúng với những “Thành vật” trong tôn giáo đã dần bị thời gian xóa bỏ.
Năm 1663, vua Louis XIV ra lệnh huỷ bỏ việc quyết đấu để giải quyết mâu thuẫn. Phong tục này đã tồn tại ở châu Âu từ thế kỷ 11 và cướp đi cuộc sống của nhiều thanh niên trẻ. Sau đó, những trận quyết đấu ở châu Âu giảm đi đáng kể. Dù vậy phải đến cuối thế kỷ 18, những trận quyết đấu này mới thực sự ít hẳn. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến từ sự hoang dã sang lý tính của xã hội châu Âu.
Đồng thời, mỗi thành phố đều xây dựng bệnh viện. Vua Louis XIV rất quan tâm đến lĩnh vực y tế, ông ra sức đầu tư cho việc đào tạo nhân viên y tế. Khi muốn điều trị ngoại khoa tốt, người dân châu Âu sẽ không ngần ngại đến Paris để điều trị. Vua Louis XIV còn cho xây dựng một bệnh viện rất đẹp dành cho các thương bệnh binh, chăm sóc hơn 4.000 binh sĩ già yếu và bệnh tật sau nhiều năm chiến đấu. Ngoài ra, bộ sưu tập tại Thư viện Hoàng gia cũng đã được mở rộng với thêm 30.000 đầu sách, tạo nền tảng tốt cho sự phát triển tri thức trong tương lai. Đồng thời, Paris cũng trở thành trung tâm xuất bản sách của châu Âu.
Từng bước từng bước một, Paris đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng của một thành phố văn minh. Thành phố “Rome mới” đã xuất hiện.
Paris đã sẵn sàng biến mình thành một sân khấu đầy ấn tượng cho cả thế giới. Trên sân khấu này đã xuất hiện những danh nhân như Leibniz, Voltaire, Molière, Corneille, và sau đó là những người thay đổi quỹ đạo lịch sử của nhân loại như Rousseau, Diderot, Montesquieu, và nhiều người khác. Những con đường với người và xe ngựa qua lại tấp nập, cung điện Louvre chứa đầy những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, cung điện Versailles ở ngoại ô phía tây có Phòng Apollo khó nơi nào có được. Tất cả những điều này khiến Paris trở thành thủ đô của châu Âu. Paris trở thành một khối nam châm, thu hút rất nhiều tinh hoa của thế giới, trở thành thành phố lớn nhất châu Âu thời bấy giờ.
Tại thủ đô châu Âu, nhạc Baroque vang lên trong các nhà hát, vở hài kịch của Molière mang đến những tràng cười của khán giả. Mọi người đang trò chuyện tao nhã trong những phòng khách sang trọng của các quý bà, những nhà khoa học tụ họp trong trong phòng khách, trong đó có nhiều học giả với nhiều tính cách lập dị khác nhau, tranh luận gay gắt về thuyết nhị nguyên của Descartes, tranh những vấn đề như Trái Đất giống “quả cam hay quả dưa hấu”. Tại thành phố này, nơi mang trong mình bầu không khí văn hoá lãng mạn và tư duy tự do, các học giả và nhà văn đến từ nhiều nơi đã mở đầu giai đoạn đầu của Thời kỳ Khai sáng.
Thành phố Paris thế kỷ 17 còn có một sứ mệnh khác: trở thành cửa sổ của thế giới. Paris đã thay đổi diện mạo của chính mình, để đón những vị khách quý từ nửa bên kia thế giới.
Hạ Đảo – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam