Con người vất vả ngược xuôi, lao tâm tổn sức, mong được giàu sang phú quý, nhưng giàu hay nghèo thì trong mệnh cũng đã chú định rồi.
Trong những tác phẩm viết về giáo huấn trong gia đình vào thời xưa thì “Viên thị thế phạm” là một cuốn sách rất nổi tiếng, vẫn thường được so sánh với “Nhan thị gia huấn”. Tác giả của “Viên thị thế phạm” là Viên Thái, tự là Quân Tái, người ở Cù Châu thời nhà Tống. Thời trẻ ông từng đi học ở trường Thái Học. Năm Long Hưng đầu tiên thời Tống Hiếu Tông (năm 1163) ông thi đỗ Tiến sĩ, ông từng làm Chủ bộ huyện Bình Hương, Tri huyện của huyện Nhạc Thanh, Tri huyện của huyện Chính Hòa, về sau làm quan đến chức Giám đăng văn kiểm viện.
Dưới đây sẽ trích một số luận thuật của Viên Thái trong tác phẩm “Viên thị thế phạm”:
Gặp sao yên vậy, thuận theo tự nhiên
Viên Thái cho rằng đời người đau khổ nhiều hơn là ngọt ngào, có quá nhiều việc không như ý. Cho dù là người được hưởng đại phú quý thì cũng sẽ có phiền não và lo lắng riêng, cũng không thể giống như cuộc sống của Thần tiên được. Vì thế gặp sao yên vậy, thuận theo tự nhiên mới là thượng sách.
“Con người sống tại thế gian, từ khi có tri giác, kiến thức, thì liền có những chuyện gian nan khổ cực và không như ý. Trẻ con khóc lóc, cũng là vì có một số việc không đúng theo yêu cầu của nó. Từ trẻ nhỏ cho đến thiếu niên, tráng niên, rồi lão niên, chuyện hài lòng như ý thì ít, mà chuyện không như ý lại thường rất là nhiều.
Cho dù là người đại phú đại quý, mặc dù người trong thiên hạ đều hâm mộ anh ta, cho rằng cuộc sống của anh ta giống như là Thần tiên. Nhưng mà những người này cũng đều có những phiền não và chỗ không vừa ý của riêng mình, việc này so với người nghèo thì cũng không khác gì. Chỉ là nỗi lo lắng của anh ta sẽ không giống như người bình thường mà thôi, nên chúng ta gọi thế giới này là một thế giới khiếm khuyết.
Không ai sống trên đời lại có thể chốn chốn như ý, sự sự mỹ mãn. Nếu có thể hiểu được sâu sắc đạo lý này thì khi gặp phải thất bại hay việc không như ý, cũng sẽ cảm thấy trong lòng dễ chịu hơn.”
Trong lòng không thể lừa dối, Thần cũng không thể lừa dối
Làm người thì nên đường đường chính chính, quang minh lỗi lạc, không thẹn với lương tâm. Viên Thái chỉ ra, làm việc trái lương tâm và nghĩ rằng không ai biết, nhưng mà không thể lừa dối được Thần linh.
“Bây giờ có người làm chuyện xấu, tự mình vui mừng vì không bị ai phát hiện, liền dương dương tự đắc, yên tâm thoải mái, không lo lắng gì. Nào ngờ có thể che được tai mắt của người khác, nhưng khó thoát khỏi tai mắt của Thần.
Hễ chúng ta làm việc gì, trong lòng cho rằng có thể, trong lòng cho rằng chính xác, người khác mặc dù không biết, nhưng Thần linh thì đã biết rồi. Chúng ta làm việc, trong lòng cho rằng không thể, trong lòng cho rằng không đúng, người khác mặc dù không biết, nhưng Thần linh cũng đã biết rồi. Tâm ta chính là Thần, Thần chính là họa phúc, lòng ta không lừa được, Thần linh cũng sẽ không lừa được.
‘Thi kinh’ nói: ‘Ý nghĩ của Thần linh, chúng ta không nghĩ ra, vậy làm sao có thể phản đối chứ?’ Tín đồ Phật giáo nói: ‘Tâm ta có thể cảm giác được Thần linh đến!’, đối với việc này, chúng ta vẫn không thể tìm hiểu cho rõ ràng, huống hồ những người không tin có Thần linh ở bên cạnh mình, dùng tâm chán ghét mà đối đãi, như vậy họ lại có chuyện gì mà không dám làm?”
Thế sự thay đổi, vốn là điều vô thường
Nhân thế vô thường, vinh nhục hưng suy tương giao. Viên Thái chỉ ra rằng: “Thế sự nhiều thay đổi, là Thiên lý thế rồi!”, lãnh đạm nhìn thế sự thay đổi, thì sẽ không bị ngoại vật làm dao động, buông xuống chấp trước vào danh lợi tình, vậy thì sẽ không bị phiền não quấn thân.
“Chuyện trên đời, biến hóa đa đoan, đây là quy luật khách quan. Bây giờ thế nhân nhìn thấy gia sản trước mắt hơi có chút hưng vượng, thì đã cho rằng sinh hoạt cả đời này không phải lo nữa rồi, ai ngờ vừa chuyển mắt một cái thì cửa nhà đã tan nát, chuyện như vậy thực sự là quá nhiều… Bây giờ không bàn về những chuyện quá xa xôi, chỉ cần nói về tình huống của làng quê 10 năm, 20 năm trước và so sánh với hiện tại, thì sẽ phát hiện, thành bại hưng suy là không có phương thức cố định.
Người trên đời không biết nhìn xa trông rộng, chỉ cần thấy người khác hưng vượng phát đạt hoặc có một chút hài lòng toại nguyện thì trong lòng sinh đố kỵ, thấy gia nghiệp người khác có chút suy bại hoặc giả có chút khó khăn thì liền châm chọc, cười nhạo người ta. Người cùng gia tộc hoặc cùng quê, rất dễ mà ngấm dần cái thói xấu này. Nếu như biết đạo lý mọi việc không có cố định, bất biến, vậy thì vì tương lai của bản thân mà cân nhắc thì e rằng còn không kịp, lại còn có thời gian mà đi tật đố với người khác, đi chế nhạo người khác nữa hay sao?”
Giàu nghèo đều đã có định số
Viên Thái cho rằng, “Giàu sang đều có định số!” Cao nhân chân chính sẽ biết thuận theo tự nhiên, ung dung tự tại.
“Con người giàu sang hay không là đều có định số. Sáng Thế Chủ đã định trước số mệnh của mỗi cá nhân rồi, nhưng cũng để lại cho con người một chút biến hóa khó lường. Như vậy sẽ khiến con người vì quyền thế, tiền tài mà bôn tẩu, bận rộn, và có đến chết thì con người cũng không tỉnh ngộ.
Ngược lại mà nói, nếu như không phải vì lợi ích mà bận rộn, như vậy thì người trong thiên hạ cũng không có việc gì mà làm, vậy thì tạo hóa cũng nghèo nàn quá rồi. Nhưng mà, con người tuy bận rộn, nhưng những người có thể thực sự đắc được vinh hoa phú quý thì rất là ít; còn những người bận rộn cả đời nhưng cuối cùng chẳng được gì thì nhiều vô kể”.
“Người đến chết cũng không có thành tựu gì quả thực quá nhiều. Nào ngờ thành công của con người cũng là trong mệnh chú định như vậy rồi. Nếu như trong mệnh chú định bạn giàu sang, cho dù không cần phải vất vả bôn ba, chỉ cần chờ đợi thêm một chút thì rồi cuối cùng bạn cũng được giàu sang.
Cho nên trên đời có những người có kiến thức cao, có thể nhìn thấu hồng trần, chẳng qua là nhiệm kỳ tự nhiên, trong lòng vô cùng bình tĩnh. Không có gì đáng cho họ ưu sầu hay cao hứng, cũng không có gì đáng để cho họ oán giận. Trước giờ cũng chưa từng nghĩ tới chuyện vì lợi ích mà vất vả ngược xuôi hay là cùng người khác tranh đấu qua lại. Như thế này thì có gì để mà tranh chấp với người khác đâu?”
Nguồn: nguyenuoc
Vạn Điều Hay