Nếu có thể trị bệnh từ lúc bệnh còn chưa hình thành, trị được đến mức vô hình, vô ảnh, vậy thì việc lớn tự nhiên ắt sẽ thành.
Năm 1900, trong hang số 17 thuộc quần thể hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, giới khảo cổ phát hiện khoảng 60.000 cuốn thư tịch cổ từ thời Tây Tấn đến thời Đông Hán, với lịch sử trải dài từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 11. Trong đó có một bộ điển tịch Đạo gia là “Hạt Quan Tử”, thiên thứ 16 phần “Thế hiền” viết: Trị quốc như trị bệnh, trị bệnh như trị quốc.
Vì sao nói “trị quốc như trị bệnh”?
Muốn trị quốc tới mức “như trị bệnh” thì phải làm cách nào?
Từ năm 245 đến năm 236 TCN, nước Triệu nằm dưới sự trị vì của Triệu Điệu Tương Vương Triệu Yển. Một ngày, Triệu Điệu Tương Vương cho gọi đại tướng quân Bàng Noãn đến để luận bàn quốc sự.
Triệu Điệu Tương Vương hỏi: “Là bậc quân chủ thì cần chú trọng kế sách trị quốc như thế nào?”
Bàng Noãn là vị tướng tài của nước Triệu thời Chiến quốc, đồng thời cũng là một binh gia và chính trị gia theo học phái Tung Hoành. Trước câu hỏi của nhà vua, ông suy tư trong giây lát rồi bắt đầu kể một câu chuyện…
Vào cuối thời Chiến quốc, nước Tần ngày càng lớn mạnh, dần dần từng bước thôn tính các nước chư hầu, thực hiện tham vọng làm bá chủ Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ. So với Tần, nước Triệu cũng là một quốc gia hùng mạnh với thực lực quân sự hùng hậu, có thể nói là cường quốc duy nhất xứng đáng làm đối thủ của Tần.
Thế nhưng nước Triệu lại thua kém Tần ở một phương diện. Nếu như Tần liên tiếp có minh quân trị vì, thì tại nước Triệu, các thế hệ quân vương sau Triệu Vũ Linh Vương ngày càng suy yếu, đời sau luôn thua kém đời trước. Dưới thời Vũ Linh Vương, nước Triệu vô cùng cường thịnh, bờ cõi được mở mang. Đến thời Huệ Văn Vương, nước Triệu dù đã có phần suy yếu nhưng chính trị vẫn trong sáng, quốc lực vẫn hùng hậu. Tới thời Hiếu Thành Vương, nước Triệu đã không thể khôi phục được sức mạnh quân sự và kinh tế như thời trước đó, nhưng nhờ liên minh hợp tung nên vẫn có thể chống lại được quân Tần. Khi đến thời Điệu Tương Vương, nước Triệu càng thêm suy yếu, gần như không còn khả năng chống cự với Tần.
Trong những năm trị vì của mình, Triệu Điệu Tương Vương từng thi hành bốn đại sự: Thứ nhất là đoạt binh quyền của Liêm Pha, khiến nước Triệu mất đi hai danh tướng tài năng là Liêm Pha và Nhạc Thừa. Thứ hai là tín nhiệm và trọng dụng gian tướng Quách Khai, tạo mầm mống cho họa vong quốc sau này. Thứ ba là phế con trưởng, lập con thứ, phong cho tiểu thiếp vốn có xuất thân thấp kém lên làm vương hậu. Thứ tư là trọng dụng danh tướng Bàng Noãn và Lý Mục, giúp nước Triệu giành được thắng lợi trong các cuộc chiến với quân Yên.
Trong bốn đại sự kể trên thì có đến ba việc là sai lầm không thể vãn hồi. Vì thế không ít người coi Điệu Tương Vương là kẻ hôn quân bạc nhược. Kỳ thực, cho dù ông không xứng là minh quân, nhưng cũng không phải kẻ hôn quân bạo ngược. Ông vẫn luôn trăn trở về con đường trị quốc, vì thế ông mới hỏi tướng quân Bàng Noãn câu ấy: “Là bậc quân chủ thì cần chú trọng kế sách trị quốc như thế nào?”
Bàng Noãn hiểu được dụng ý của Điệu Tương vương, nhưng ông không trực tiếp trả lời mà chỉ hỏi: “Đại vương đã từng nghe câu chuyện Du Phụ làm thầy thuốc chưa?”
Du Phụ là công thần của Hoàng Đế, là bậc Thần y thời thượng cổ, ông tinh thông phẫu thuật, có khả năng cải tử hoàn sinh, khiến người đã chết sống lại.
Bàng Noãn nói: “Không có căn bệnh nào vô phương cứu chữa, bệnh nào cũng đều có phương thuốc chữa khỏi. Chỉ cần có Thần y ở đó thì ngay cả quỷ thần cũng phải tránh xa. Năm xưa, Sở Chiêu Vương học theo Nghiêu Đế, ông chỉ bổ nhiệm người hiền đức chứ không tin dùng những kẻ thân thuộc mà bất tài. Trị nước cũng giống như trị bệnh vậy, tất phải dùng thầy thuốc giỏi mới có thể trị được bệnh, chứ không thể dùng người chỉ vì yêu thích cá nhân. Nếu Sở Chiêu vương mắc bệnh, nhất định ông sẽ đợi Thần y Du Phụ đến trị cho”.
Điệu Tương Vương nghe xong tấm tắc khen: “Nói rất hay!”
Bàng Noãn tiếp tục nói: “Đại vương còn nhớ không, năm xưa Y Doãn trị lý Ân Thương, Khương Thái Công phò tá Chu Vũ Vương. Sau này, Bách Lý Hề trị lý nước Tần, Thân Bao Tư cứu nguy cho nước Sở, Triệu Thôi phò tá Tấn Văn Công, Phạm Lãi cứu Việt Vương Câu Tiễn, Quản Trọng phò tá Tề Hoàn Công… Những bậc công thần ấy dù đi con đường khác nhau nhưng đều góp phần thành tựu nên bá nghiệp của Ngũ quốc”.
Điệu Tương Vương trầm ngâm: “Khanh hãy nói cụ thể hơn xem nào”.
Bàng Noãn bèn kể một câu chuyện như sau:
Thần y Biển thước
Ở phía nam Thái Hành Sơn ở Sơn Tây có một đỉnh núi cao chót vót, dưới chân núi có dòng sông Cửu Long. Nếu đứng ở bờ bắc sông Cửu Long sẽ thấy một ngôi đền, đây là đền thờ Thần y Biển Thước, một trong tứ đại danh y của Trung Hoa cổ đại.
Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, là người Mạc Châu, quận Bột Hải. Thời niên thiếu, Tần Việt Nhân giúp việc trong một quán trọ. Ông chủ quán rất yêu mến chàng thiếu niên chăm chỉ, siêng năng, lại trung hậu, thật thà này. Dần dần ông chủ quán giao phó cho Tần Việt Nhân những trọng trách quan trọng, sau lại giao toàn bộ quán trọ cho cậu lo liệu.
Thấm thoắt đã mười mấy năm trôi qua. Một ngày có ông lão tên là Trường Tang Quân đến quán trọ của Tần Việt Nhân. Những người khác đều coi thường ông lão, duy chỉ có Tần Việt Nhân luôn chu đáo ân cần, cung kính tiếp đãi ông như khách quý. Trường Tang Quân cũng để mắt đến chàng trai trẻ ấy, cho rằng anh có tư chất bất phàm. Trong nhiều năm Trường Tang Quân thường xuyên lui tới quán trọ, Tần Việt Nhân vẫn trước sau như một, rất mực cung kính và phục vụ chu đáo Trường Tang Quân.
Một ngày, Trường Tang Quân gọi Tần Việt Nhân đến và nói rằng: “Này chàng trai trẻ, ta có một bí thuật chưa từng truyền cho ai. Nay ta đã già rồi, ta muốn truyền lại bí thuật ấy cho cậu, hy vọng cậu sẽ không tiết lộ ra ngoài”.
Tần Việt Nhân cung kính nhận lời: “Vâng, thưa tiên sinh”.
Trường Tang Quân liền lấy từ trong túi ra một chiếc bình sứ nhỏ đưa cho Tần Việt Nhân và dặn dò rằng: “Mỗi buổi sáng sớm, cậu hãy ra ngoài hứng những giọt sương chưa rơi xuống đất, sau đó hòa với bột thuốc trong chiếc bình này rồi uống. 30 ngày sau, cậu sẽ có thể nhìn thấu được mọi thứ”.
Nói rồi, Trường Tang Quân lại trao chiếc bình sứ cùng với một cuốn sách ghi chép toàn bộ y thuật bí truyền cho Tần Việt Nhân.
Tần Việt Nhân nhận chiếc bình sứ và cuốn y thư, cậu vừa cúi đầu cảm tạ thì phát hiện Trường Tang Quân đã không còn ở đó nữa. Đến lúc này Tần Việt Nhân mới biết ông lão ấy chính là một Tiên nhân.
Tần Việt Nhân làm theo lời ông lão căn dặn, hàng ngày thu thập các giọt sương đọng trên lá cỏ, sau đó hòa với thuốc rồi uống. Quả đúng như lời Trường Tang Quân, 30 ngày sau Tần Việt Nhân có khả năng nhìn xuyên thấu mọi vật, có thể trực tiếp nhìn thấy mầm bệnh bên trong lục phủ ngũ tạng.
Khi trị bệnh cho người, Tần Việt Nhân sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như châm kim, chườm nóng, xoa bóp, phẫu thuật, uống thuốc, v.v. Toàn bộ quy trình trị liệu và gọi chung là “tứ chẩn”, bao gồm các bước: nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch (vọng, văn, vấn, thiết), ông chỉ là làm ra như là đang khám, để cho mọi người thấy mà thôi.
Chẳng bao lâu sau, Tần Việt Nhân trở nên nổi tiếng khắp xa gần về khả năng chữa bệnh. Ông liền từ biệt chủ quán trọ và bắt đầu chu du qua nhiều nước khác nhau để chữa bệnh, cứu người.
Một ngày Tần Việt Nhân đến Hàm Đan ở nước Triệu, gặp một quý phu nhân mắc bệnh bạch đới phụ khoa, đã chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa khỏi. Tần Việt Nhân liền sắc thuốc cho phu nhân uống, lập tức thuốc vào bệnh hết. Sự việc rất nhanh được truyền khắp Hàm Đan.
Tần Việt Nhân lại đến nước Tấn. Lúc ấy đúng vào thời Tấn Chiêu Công, vương thất vô cùng yếu nhược, thế lực đại phu nổi lên thao túng các hoạt động quốc gia đại sự. Người đứng đầu là Đại phu Triệu Giản Tử, ông đã ban hành nhiều chính sách cải cách củng cố quyền lực của họ Triệu. Triệu Giản Tử cũng là người đặt nền móng cho nước Triệu sau này.
Triệu Giản Tử làm việc quá sức nên đột ngột đổ bệnh, nằm hôn mê trên giường suốt năm ngày vẫn không tỉnh dậy. Các vị đại thần đều lo lắng, liền mời Tần Việt Nhân đến khám bệnh.
Tần Việt Nhân vào phòng, chẩn đoán bệnh tình của Triệu Giản Tử rồi lại bước ra ngoài. Quan đại phu Đổng An Vu vội chạy đến hỏi về bệnh tình của Triệu Giản Tử.
Tần Việt Nhân đáp: “Chủ quân huyết mạch vẫn bình thường, các ngài không cần quá lo sợ. Trước đây Tần Mục Công cũng từng mắc bệnh này, bảy ngày sau mới tỉnh dậy. Bệnh của chủ quân lúc này cũng giống như Tần Mục Công năm xưa, không quá ba ngày sau nhất định sẽ tỉnh lại”.
Quả nhiên hai ngày rưỡi sau, Triệu Giản Tử tỉnh dậy. Triệu Giản Tử vô cùng cao hứng, liền ban thưởng cho Tần Việt Nhân 40.000 mẫu đất ở núi Bồng Thước, Sơn Tây làm thực ấp.
Tương truyền, trong núi Bồng Thước có Thần Điểu (chim thần) mang đến cát tường và hạnh phúc. Tần Việt Nhân đến đây, ông đã dùng y thuật cao siêu của mình trừ bệnh cho bách tính. Người dân trong vùng tin rằng Tần Việt Nhân cũng giống như Thần Điểu, là bậc cao nhân mang lại hạnh phúc cho mọi người. Vì vậy họ tôn kính gọi ông là Biển Thước. Theo thời gian, mọi người đều quen với tên gọi Biển Thước nên cũng không còn ai gọi ông là Tần Việt Nhân nữa.
Sau này khi đến nước Quắc, Biển Thước thấy người dân ở đây đang cử hành các hoạt động tế lễ, đuổi bệnh trừ tà. Ông hỏi thăm ra mới biết thái tử nước Quắc vừa mới qua đời. Biển Thước cảm thấy kỳ lạ, bèn đến gặp Trung Thứ Tử hỏi xem rốt cuộc là chuyện gì.
Trung Thứ Tử đáp: “Thái tử đột ngột qua đời là vì khí huyết rối loạn, tà khí tích tụ lại không thể bài tiết ra ngoài, dẫn đến “Dương hoãn Âm cấp” (Dương chậm, Âm nhanh), khiến nội tạng chịu nhiều thương tổn.”
Biển Thước hỏi: “Điện hạ qua đời đã được bao lâu rồi?”
Trung Thứ Tử đáp: “Từ nửa đêm qua đến nay”.
Biển Thước lại hỏi: “Đã nhập liệm chưa?”
Trung Thứ Tử đáp: “Vẫn chưa, điện hạ mới tạ thế chưa được nửa ngày”.
Biển Thước hiểu được sự tình, liền nói rằng ông có thể giúp thái tử hồi sinh.
Trung Thứ Tử tròn xoe mắt nhìn Biển Thước với vẻ hoài nghi, cho rằng ông chỉ ba hoa khoác lác, chứ lẽ nào người đã chết rồi mà có thể sống lại được?
Trung Thứ Tử nói: “Nếu tiên sinh có được y thuật cao minh như Du Phụ thì tôi mới tin thái tử sẽ sống lại. Nhược bằng không thì đừng nói những lời phỉnh lừa ấy”.
Biển Thước thở một hơi dài: “Tôi không cần đến ‘tứ chẩn’ (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch) cũng có thể biết được gốc bệnh ở đâu. Nếu ngài không tin thì hãy thử một chút xem sao. Ngài hãy đến xem thái tử, sẽ thấy tai thái tử như có âm thanh, cánh mũi hơi phập phồng, nửa thân dưới vẫn còn hơi ấm”.
Trung Thứ Tử ngạc nhiên không nói nên lời, tuy vậy ông vẫn làm theo lời Biển Thước. Quả nhiên tình hình đúng như những gì Biển Thước mô tả. Vua Quắc biết chuyện thì vô cùng kinh ngạc, ông vội thân chinh ra khỏi cung nghênh đón Biển Thước.
Vua Quắc nói: “Từ lâu quả nhân đã ngưỡng mộ đức hạnh cao thượng của bậc Thần y. Hôm nay quả nhân được nghênh đón tiên sinh tới thăm tiểu quốc, đó thực là đại phúc của thái tử vậy. Có tiên sinh ở đây, con trai ta nhất định sẽ sống lại mạnh khỏe, không có tiên sinh, con trai ta chỉ có thể nằm lại trong khe núi, vĩnh viễn không thể hồi sinh”.
Vua Quắc chưa dứt lời mà nước mắt đã lã chã như mưa, nghẹn ngào không thể thốt ra tiếng.
Biển Thước đáp: “Ngài đừng quá đau lòng, thái tử không chết mà chỉ ‘thi quyết’ (hôn mê, bất tỉnh) mà thôi, rồi điện hạ sẽ sớm tỉnh dậy như thường”.
Dứt lời, ông liền lệnh cho học trò Tử Dương chuẩn bị dụng cụ, dùng kim châm cứu vào huyệt Tam dương Ngũ hội. Chỉ một lát sau, thái tử liền tỉnh lại.
Biển Thước lại sai đệ tử Tử Báo chườm nóng hai bên dưới sườn. Một lát sau, thái tử liền ngồi dậy.
Tiếp đó, Biển Thước lại tiến hành điều tiết âm dương, cho thái tử uống thuốc trong 20 ngày, thái tử hoàn toàn hồi phục.
Từ đó, khắp thiên hạ đều truyền tai nhau rằng Biển Thước có y thuật cải tử hoàn sinh.
Biển Thước nhận được lời tán dương thì chỉ khiêm tốn đáp rằng: “Tôi không có tài giúp người chết sống lại. Vốn dĩ thái tử vẫn còn sống, tôi chỉ giúp thái tử khôi phục lại sức khỏe mà thôi.”
Sau này, Biển Thước lại dẫn học trò đi chu du thiên hạ, giúp dân trị bệnh, tế thế cứu đời. Đến Hàm Đan, nghe nói phụ nữ trong vùng được coi trọng, thầy trò lại chú tâm trị các bệnh nữ khoa. Đến Lạc Dương, nghe nói người nhà Chu kính trọng các bậc lão nhân, thầy trò liền tập trung chữa các bệnh lão khoa như ù tai, hoa mắt, chân tay tê liệt nhức mỏi. Đến Hàm Dương, nghe nói người Tần yêu mến trẻ nhỏ, thầy trò lại chú trọng chữa các bệnh nhi khoa. Biển Thước và các đệ tử đi đến đâu cũng “nhập gia tùy tục”, xem tình hình mà “tùy cơ ứng biến”, dựa theo tập quán của người dân bản địa mà tùy chỉnh phạm vi chữa trị, trở thành “bác sĩ đa khoa” toàn diện cả về y – dược – kỹ.
2 người anh y thuật còn cao hơn Biển Thước
Dần dần danh tiếng “Thần y Biển Thước” lan truyền khắp bốn phương. Mọi người đều tôn kính ông, ngưỡng mộ ông, ngay cả quân chủ các nước chư hầu cũng muốn gặp ông. Một trong số đó là Ngụy Văn Hầu, quân chủ của nước Ngụy – một trong “Chiến quốc thất hùng” (bảy cường quốc thời Chiến quốc).
Ngụy Văn Hầu hiếu kỳ hỏi: “Quả nhân nghe nói ba anh em ngài đều làm thầy thuốc, vậy y thuật của ai cao siêu nhất?”
Biển Thước đáp: “Trưởng huynh giỏi nhất, nhị huynh đứng sau, còn tiểu nhân là kém cỏi nhất nhà”.
Ngụy Văn Hầu lại càng tò mò hơn, liền hỏi: “Vậy tại sao chỉ có ngài là nổi danh thiên hạ? Còn hai người kia thì một chút danh tiếng cũng không có?”
Biển Thước khẽ mỉm cười, đáp rằng:
“Huynh trưởng giỏi về nhìn thần, chỉ cần xem thần khí của một người liền có thể biết được người này có bệnh hay không, ngay từ trước khi bệnh hình thành thì anh ấy đã trừ bỏ được gốc bệnh rồi. Người được chữa trị hoàn toàn không biết rằng sau này bản thân sẽ phát bệnh, vậy nên cho rằng anh ấy không biết xem bệnh, duy chỉ có mấy anh em tiểu nhân là biết được mà thôi. Vì thế, huynh trưởng tài giỏi nhất nhưng lại không có danh tiếng gì”.
“Còn nhị huynh giỏi về quan sát lông tóc, khi vừa mới có chút triệu chứng là anh ấy đã có thể nhìn ra. Ngay từ lúc bệnh mới bắt đầu, anh ấy đã có thể trị được rồi. Người ngoài nhìn vào đều cho rằng anh ấy chỉ có thể trị được những bệnh nhẹ, do đó mà “danh bất xuất ư lư” (danh tiếng không ra khỏi lũy tre làng)”.
“Còn tiểu nhân thì y thuật kém cỏi nhất, thông thường đều là khi bệnh tình đã nghiêm trọng rồi mới tiến hành chữa trị. Lúc ấy tiểu nhân buộc phải châm cứu, bắt mạch, sắc thuốc, đôi lúc còn phải dùng đến dao giải phẫu, v.v. Nhờ đó, người bệnh được cứu sống, cơ thể dần dần hồi phục. Người ngoài nhìn vào đều cho tiểu nhân là Thần y”.
“Ngẫm nghĩ lại, cách trị bệnh của đại huynh không làm tổn thương nguyên khí mà gốc bệnh lại được trừ sạch. Cách trị bệnh của nhị huynh chỉ để người bệnh bị tổn thương một chút nguyên khí, sau đó lại bồi bổ thì cơ thể liền nhanh chóng hồi phục. Còn tiểu nhân thì dù có cứu được mạng của người ta nhưng nguyên khí đã tổn thương nặng mất rồi. Đại vương, ngài nói xem, y thuật của ai cao siêu nhất?”
Ngụy Văn Hầu vô cùng cao hứng liền tấm tắc khen: “Nói hay lắm! Nói hay lắm!”
Câu nói của Ngụy Văn Hầu có ba tầng ý nghĩa:
Một là, y thuật của cả ba anh em Biển Thước đều cao siêu, xứng danh là Thần y đệ nhất trong thiên hạ.
Hai là, bậc cao thủ chân chính có thể khiến người có bệnh như chưa từng có bệnh, trừ dứt gốc bệnh đến mức không còn hình bóng. Trị bệnh mà như không trị, có thể nói là “chân nhân bất lộ tướng”.
Ba là, Biển Thước có tấm lòng quảng đại, mặc dù vang danh lừng lẫy thiên hạ nhưng ông hoàn toàn không vì thế mà cao ngạo.
Ngụy Văn Hầu cảm khái nói: “Chao ôi, nếu năm xưa Quản Tử dùng đạo trị bệnh của Biển Thước để phò tá Tề Hoàn Công, thì e rằng cho đến hôm nay Tề Hoàn Công vẫn khó thành tựu được bá nghiệp”.
Bàng Noãn kể câu chuyện trên là có ý nói với Triệu Điệu Tương Vương rằng: Từ Ngũ bá thời Xuân Thu cho đến Thất hùng thời Chiến quốc, nếu bậc quân chủ không coi bệnh là “bệnh”, có thể trị được từ lúc bệnh còn chưa hình thành, trị được đến mức vô hình, vô ảnh, vậy thì việc lớn tự nhiên ắt sẽ thành. Thầy thuốc giỏi chữa trị từ trước khi bệnh phát sinh, còn thầy thuốc bình thường chỉ chữa trị sau khi bệnh đã phát tác, ổ bệnh đã tấn công, cho dù có thể chữa khỏi thì thân thể cũng phải chịu thương tổn ít nhiều.
Triệu Điệu Tương Vương nghe xong liền cảm khái nói: “Quả đúng là như vậy, quả nhân tuy không tham vọng thân thể không phải chịu thương tổn, nhưng ai có thể trị bệnh cho quả nhân khi vấn đề vẫn còn rất nhỏ đây?”
Bàng Noãn trầm mặc không nói thêm lời nào. Ông kể câu chuyện này là vì ông biết gốc bệnh của nước Triệu đã manh nha hình thành rồi. Nếu Triệu Điệu Tương Vương không thể nhìn ra, thì cho dù Bàng Noãn và Lý Mục cùng xả thân vì nước Triệu, giúp Triệu quốc nhất thời chiếm được ưu thế về mặt quân sự, nhưng cuối cùng nước Triệu cũng vì mầm bệnh bên trong mà sẽ sớm diệt vong.
Lời khuyên của Bàng Noãn đã trở thành lời sấm. Cuối cùng, ba sai lầm lớn của Triệu Điệu Tương vương đã đẩy Triệu quốc đến bên bờ diệt vong.
Kỳ thực, trên phương diện trị quốc Bàng Noãn đã có được khả năng nhìn thấu như Biển Thước năm xưa. Ông muốn học theo huynh trưởng của Biển Thước, có thể trị bệnh từ khi bệnh vẫn chưa phát sinh, nhưng cuối cùng ông vẫn đành bất lực, không cách nào xoay chuyển được càn khôn.
Bậc cao nhân “trị quốc như trị bệnh, trị bệnh như trị quốc”. Chân nhân thường không lộ chân tướng, vậy nên quân vương muốn tìm cao nhân cùng ông gánh vác sơn hà, thật chẳng khác nào đáy bể mò kim.
Theo Lý Minh – Xinbuxinyouni
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam