Lỡ mua nhầm đồ vẫn có thể quay lại đổi, nhưng kết hôn nhầm người thì phải làm sao đây? Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện bằng một lễ cưới diễn ra vào những năm Khang Hy thời nhà Thanh.
Nhân duyên đảo ngược ly kỳ
Vào mùa đông Khang Hy năm Kỷ Sửu (năm 1709), ở vùng Sùng Nhân có hai gia đình tổ chức hôn lễ trong cùng một ngày. Một bên là họ Giả giàu sang phú quý, còn một bên là họ Tạ nghèo khó, vốn dòng dõi thi hương. Vị tân nương của nhà họ Giả tên là Vương Thúy Phương, cũng là tiểu thư trâm anh thế phiệt, có thể nói là môn đăng hộ đối với Giả công tử. Còn tân nương nhà họ Tạ lại là người con gái họ Ngô, gia cảnh bần hàn.
Người xưa kết hôn luôn chú trọng chọn ngày lành tháng tốt, vì thế không khó hiểu khi hai vị tân nương đều xuất giá vào cùng một thời thần. Định mệnh khéo an bài để cho đoàn xe đưa dâu của hai gia đình gặp nhau giữa đường, kéo theo một loạt phong ba biến cố sau này.
Buổi chiều hôm ấy, dưới bầu trời mây hồng bao phủ, những bông tuyết lớn như lông ngỗng không ngừng lả lướt rơi, biến mặt đất thành một mảng mênh mông trắng xóa, khó có thể nhận ra phía trước đâu là con đường. Mặc dù hai chiếc kiệu có màu sắc và họa tiết trang trí riêng, nhưng vì để tránh mưa tuyết, người ta phải dùng vải bạt che trên kiệu. Trớ trêu thay trên vải bạt cũng phủ lớp tuyết dày hai tấc, khiến hai chiếc kiệu trông hệt như nhau.
Hai đoàn đưa dâu đi được khoảng hai, ba dặm thì đến một ngôi đình nọ. Lúc này nhóm tùy tùng của cả hai nhà đều đã rét cóng, họ bèn cùng nhau nhặt củi đốt lửa để sưởi ấm trong đình. Họ đã định chờ đến khi tuyết ngừng rơi rồi mới đi tiếp, nào ngờ mưa tuyết càng lúc càng dữ dội. Vì sợ lỡ mất thời thần nên họ đành vội vã khiêng kiệu rồi đường ai nấy đi.
Chúng ta hãy lần lượt kể về cảnh ngộ của hai vị tân nương:
Trước hết nói về Vương Thúy Phương. Đêm ấy, sau khi bái thiên địa và vào phòng hoa chúc, Thúy Phương phát hiện đồ đạc bày biện trong phòng rất sơ sài, không phải những thứ hồi môn của gia đình mình. Cô thầm nghĩ: Có lẽ nào nhà chồng lại bán đồ hồi môn của nàng dâu, rồi lại mua một bộ các thứ rẻ tiền thế vào đó? Nghĩ vậy, trong tâm cô luôn bứt dứt chẳng yên. Đến lúc tưởng như không thể nhẫn chịu được nữa, cô liền nói với chồng: “Chiếc bàn trang điểm bằng gỗ tử đàn của em đâu rồi? Chàng hãy bảo tỳ nữ mang đồ trang sức lại đây cho em”.
Chồng cô cười gượng: “Nương tử à, trong nhà không có thứ hồi môn nào như thế, giờ ta phải tìm ở đâu đây?”
Thúy Phương đáp: “Giả lang hà tất lại lừa dối thiếp sao?”.
Vì Thúy Phương được gả vào nhà họ Giả, do đó mới gọi chồng là Giả lang. Nhưng chồng nàng nghe xong, lại phá lên cười và nói: “Ta là chân lang (chồng thật) chứ không phải là giả lang (chồng giả)”.
Thúy Phương liền nói: “Điều thiếp nói là lang quân họ Giả, chứ không phải có ý thật thật giả giả ở đây”.
Lúc này, chồng cô mới ngẩn người ra và đáp “Ta họ Tạ cơ mà” khiến Thúy Phương sững sờ. Cô nức nở khóc: “Tặc nhân sao nỡ lừa dối ta”.
Tạ lang bối rối không biết phải làm sao, đành phải gọi toàn bộ gia nhân vào tân phòng và hỏi nguyên do, nhưng Thúy Phương chỉ khóc mãi không ngừng.
Bà mẹ không hiểu con dâu hờn dỗi vì cớ gì, bèn quở trách: “Chúng ta là dòng dõi Nho gia thanh bạch, sao lại là kẻ trộm cắp được? Phải chăng cha mẹ con chê nhà ta bần hàn nên mới dạy con làm náo loạn như thế này?”
Thúy Phương ngẩng đầu nói: “Con được hứa hẹn gả vào nhà họ Giả, nhưng nhà mẹ lại là họ Tạ, như vậy chẳng phải là lừa người sao?”
Tạ mẫu đáp: “Nha đầu ngốc nghếch ạ, nào có ai vì cưới vợ mà lại đổi họ bao giờ? Nếu quả thực là vậy, chẳng lẽ con cũng không phải họ Ngô sao?”
Câu nói của bà làm Thúy Phương sực nhớ đến cô dâu nàng gặp trên đường. Cô nói: “Con đoán ra rồi, nàng dâu gả vào nhà mẹ vốn mang họ Ngô. Nhưng con lại họ Vương. Trên đường đưa dâu con từng gặp một vị tân nương, cả hai đoàn cùng nghỉ dưới đình để tránh tuyết. Con lờ mờ nghe thấy có người nói cô gái này họ Ngô, có lẽ cô ấy mới đích thực là con dâu của mẹ. Còn con lại là con dâu nhà họ Giả. Lúc ấy tuyết rất lớn, trời cũng lạnh băng băng, cả hai đoàn đều vội vàng lên đường nên chắc hẳn đã khiêng nhầm kiệu hoa rồi. Mong mẹ mau mau cho người đến nhà họ Giả hỏi xem, nếu kịp thì có thể tìm thấy tân nương đích thực của mẹ”.
Nghe Thúy Phương nói, người nhà họ Tạ cũng tin đến tám, chín phần. Họ vội vàng phái người đưa thư tới nhà họ Giả. Tuy nhiên, họ Giả và họ Tạ cách nhau 30 dặm đường, thêm vào đó tuyết dày khó đi, mãi đến hôm sau người đưa thư mới tới nơi thì đã quá muộn rồi.
Vậy còn vị tân nương họ Ngô thì sao? Cô có gặp chuyện gì trong đêm tân hôn hay không?
Kỳ thực khi vừa đến nhà họ Giả, cô gái họ Ngô nhìn kỹ của hồi môn và nhớ lại vị tân nương mà mình gặp trên đường, trong tâm cô biết là đã khiêng nhầm kiệu hoa, gả nhầm chồng. Vậy phải làm sao đây? Cô thấy nhà họ Giả giàu có sung túc, quả là chỗ yên thân lý tưởng. Vì không muốn lại tái giá về nhà họ Tạ thanh bần nên cô giả vờ như không biết, cứ như vậy mạo danh làm cô dâu họ Vương thành hôn với công tử nhà họ Giả.
Hôm sau khi người nhà họ Tạ đến tìm, cô cố tỏ ra kinh ngạc và thống khổ. Công tử họ Giả vì có tình nghĩa với nương tử mới cưới nên vẫn mặc nhiên cho qua, chuyện đã sai rồi thì cứ kệ cho sai.
Tin tức nhanh chóng truyền về nhà họ Tạ. Vương Thúy Phương nhận được tin như sét đánh ngang tai, thương tâm đến mức muốn quyên sinh tự vẫn. May thay có người khuyên nhủ cô: “Hôn nhân giữa họ Vương và họ Tạ rất có thể chính là Trời định, không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện sự việc nhầm lẫn như thế. Hiện nay nhà họ Giả đã kết thân với nhà họ Ngô, vậy cô tự nhiên cũng nên quy về nhà họ Tạ”.
Nhưng hôn nhân đại sự há lại như trò đùa con trẻ, nói nhầm liền nhầm, nói đổi liền có thể đổi? Vương Thúy Phương vẫn không cam lòng.
Nhà họ Tạ lại cho người đến thăm cha của Thúy Phương và kể với ông toàn bộ sự việc. Vương lão gia vô cùng kinh ngạc: “Điều này không phải là ngẫu nhiên”. Sau đó, ông liền sắp xếp cho người mai mối tới thưa chuyện với họ Tạ, nguyện ý bằng lòng để hai bên kết thông gia. Thúy Phương nhận được thư cha, lúc này mới an tâm làm dâu nhà họ Tạ.
Phải chăng câu chuyện đến đây là kết thúc? Nhưng không, những biến cố sau đó mới là điều khiến người ta kinh ngạc.
Về sau, nhà họ Giả giàu có dần dần trở nên lụn bại, cô con gái họ Ngô từng chiếm được “hôn nhân trong mơ” đến nay lại u uất chán chường, cuối cùng phẫn uất qua đời. Còn bên kia, công tử họ Tạ chăm chỉ đèn sách rồi cũng đến ngày đỗ đạt công danh, gia đình phu thê ân ái, con cháu mãn đường. Kết cục bất ngờ này khiến những người chứng kiến đều cảm khái muôn phần.
Cô dâu họ Vương thuận theo Thiên ý, cuối cùng có được cuộc hôn nhân mỹ mãn. Còn cô dâu họ Ngô tham lam phú quý lại không thể ngờ rằng bạc vàng bao nhiêu cũng có lúc cạn, quyền quý bao nhiêu cũng có lúc xác xơ nghèo túng, đến ngay cả bản thân cô cũng không trụ vững nổi mà u uất lìa đời. Mọi sự trùng hợp đều không phải ngẫu nhiên, mọi mối nhân duyên đều không phải tự dưng mà đạt được. An bài của Thượng Thiên thực là vô cùng kỳ diệu!
Dân gian có câu: “Nhân duyên Thiên chú định” (hôn nhân do Trời định). Nếu là người đã định trong mệnh, ngược xuôi ngang dọc thế nào vẫn sẽ quay về bên bạn. Người không phải là chân mệnh của bạn, dù cưỡng cầu thế nào cũng vô dụng mà thôi.
Cổ nhân quan niệm hôn nhân là “phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn”, ý tứ là việc cưới xin cần phải nghe theo lệnh của cha mẹ và sự sắp xếp của bà mai. Do đó, người xưa khi bước vào hôn nhân đều có cảm giác “phó thác cho Trời”. Điều này hoàn toàn khác với quan niệm của xã hội hiện đại, vốn cổ xúy tự do luyến ái, nam nữ tự tìm đến với nhau. Vậy lẽ nào chuyện hôn nhân đại sự trong đời lại không thể do bản thân quyết định hay sao?
Kỳ thực, giữa những người có duyên với nhau đều có một mối liên hệ đặc thù, giống như sợi chỉ đỏ xe duyên của Nguyệt Lão, và sợi chỉ đỏ này chính là “gen” mà chúng ta vẫn thường nói đến.
Gen – sợi dây kết nối
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát thú vị. Họ ngẫu nhiên tìm ra 800 cặp vợ chồng, sau đó lại tìm 800 cặp nam nữ vốn là những người xa lạ không có quan hệ yêu đương để làm nhóm tham chiếu, sau đó tiến hành phân tích gặp gen của từng đôi.
Điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là: mức độ tương tự trong gen giữa các cặp vợ chồng luôn luôn cao hơn giữa những người xa lạ. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét đến yếu tố tác động, ví dụ như người ta có khuynh hướng kết hôn với người cùng chủng tộc và người cư trú trong vùng phụ cận. Nhưng ngoài các nhân tố ấy, họ phát hiện rằng con người có khuynh hướng lựa chọn bạn đời có đặc tính di truyền tương tự với mình ở mức độ cao hơn những đối tượng khác. Điều này có thể giải thích phần nào về “tướng phu thê” thường nhắc đến trong nhân tướng học của phương Đông. Hay nói cách khác, các cặp nam nữ càng giống nhau thì xác suất trở thành vợ chồng càng lớn.
Giữa biển người mênh mông này, làm thế nào tìm được nửa kia có mức độ gen tương tự với mình? Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Nếu coi cuộc đời như đoàn tàu xe lửa không ngừng tiến về phía trước, thì vì sao có người như những hành khách xa lạ, lên lên xuống xuống, kề cận mà bước qua? Vì sao có người ngồi gần chúng ta, kết bạn làm quen, rồi trở thành người bạn đồng hành đi chung một đoạn đường? Và vì sao có một người đặc biệt lựa chọn ở bên cạnh chúng ta, trở thành người đồng hành với ta suốt hành trình? Hết thảy chỉ là ngẫu nhiên, hay còn có nhân tố siêu nhiên nào đó đang khởi tác dụng?
Cuộc gặp gỡ diệu kỳ
Năm 2010, cô gái 25 tuổi Donna Voutsinas đến từ Mỹ và chồng là Alex Voutsinas đến từ Canada quen biết ở nơi làm việc, sau đó họ kết hôn và có một gia đình hạnh phúc. Trong mắt bạn bè, cuộc hôn nhân xuyên quốc gia của họ là hình mẫu của một gia đình lý tưởng.
Một ngày, Alex lật xem những bức ảnh thời thơ ấu của vợ, anh kinh ngạc khi phát hiện bản thân anh và bố cũng xuất hiện trong tấm ảnh. Phải chăng duyên phận giữa họ sớm đã được an bài?
Khi chụp bức ảnh ấy, Donna chỉ mới 5 tuổi, cô cùng với hai anh em trai đang chụp ảnh lưu niệm với nhân vật hoạt hình Disneyland ở Florida. Cách một đoạn không xa về phía sau là một người đàn ông đang đẩy chiếc xe dạo đi bộ trên vỉa hè, ngồi bên trong chính là cậu bé Alex.
Alex vui vẻ kể lại: “Khi vẫn còn là đứa trẻ mới chập chững biết đi, tôi đã được chụp ảnh chung với vợ tương lai của mình, điều này thực sự quá thần kỳ”.
Donna cũng chia sẻ: “Tôi nằm mơ cũng không thể ngờ rằng trong bức ảnh lại có chồng tương lai của mình, điều này thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nhân duyên của chúng tôi đã được định sẵn trong mệnh, sự trùng hợp này thực sự khiến người ta khó có thể tin được. Cho đến nay tôi vẫn cảm động mãi không thôi”.
Donna và Alex đến từ hai quốc gia khác nhau, vậy mà họ vẫn có thể hội ngộ từ khi còn thơ ấu, lớn lên lại gặp lại và yêu thương nhau. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
Chứng kiến cuộc gặp gỡ kỳ lạ ấy, nhiều người đã tấm tắc cảm thán mãi, thế nhưng khi nghĩ lại, họ lại cho rằng chẳng qua chỉ là trùng hợp mà thôi. Tuy nhiên, đối với một số học giả nghiên cứu về luân hồi và tiền thế, thì mọi cuộc gặp gỡ tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng kỳ thực lại định sẵn trong mệnh, duyên phận ấy thậm chí còn vượt qua cả đời này kiếp này.
Duyên phận kiếp trước
Ông Michael Newton là chuyên gia thôi miên trị liệu, chuyên nghiên cứu và thực hiện phương thức tiền thế hồi tố để giúp bệnh nhân thoát khỏi nỗi đau bệnh tật trong đời này. Trong số các bệnh nhân của ông có người theo thuyết vô Thần, cũng có người là những giáo đồ thành tín. Nhưng dù là ai, trong trạng thái thôi miên họ có thể hồi tưởng lại trạng thái tinh thần giữa những lần chuyển thế. Họ đều miêu tả nhất trí rằng: Thế giới tinh thần là nơi không nhiễm bụi trần, nơi ấy ánh sáng rực rỡ đầy màu sắc. Linh hồn thoát ra khỏi nhục thân sẽ ở dạng năng lượng tỏa ra ánh sáng của trí huệ, màu sắc năng lượng đại biểu cho tầng thứ tinh thần. Các sinh mệnh có thể tùy ý bay lượn, biến hóa thành các hình tượng khác nhau, giao tiếp với nhau thông qua cảm ứng tâm linh.
Tiến sĩ Newton cho biết, linh hồn sẽ đến một nơi tương tự như thư viện để đọc cuốn sách sinh mệnh của chính mình, bên trong là những hình ảnh ghi chép tất cả những gì xảy ra qua từng đời từng kiếp của họ nơi trần thế. Sau khi kết thúc một kiếp sống, linh hồn sẽ đến trước mặt Ủy viên hội (nhóm các vị trưởng lão) để xem xét lại cuộc đời họ vừa mới trải qua, sau đó họ sẽ được các trưởng lão an bài cho kiếp sống kế tiếp. Điều này cũng tương tự với quan niệm của phương Đông, rằng sau khi chết con người sẽ tiếp nhận thẩm phán của Diêm La Vương và bước vào vòng luân hồi tiếp theo.
Con người sống trên thế gian thường hối hận về những lỗi lầm đã qua, sinh mệnh ở thế giới tinh thần cũng vậy. Nhưng họ không tìm lý do bao biện cho tội lỗi của mình, mà thay vào đó, họ tự nguyện trả món nợ ấy vào kiếp sống kế tiếp. Có những linh hồn thậm chí còn lựa chọn sống một cuộc đời gian khó để nhanh chóng trả nợ nghiệp, đề cao tầng thứ tinh thần. Thật bất ngờ khi thuật thôi miên của phương Tây lại tìm thấy điểm chung với học thuyết luân hồi của phương Đông tại phương diện này.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Newton còn phát hiện một hiện tượng rất đặc thù của thế giới tinh thần. Đó là, những sinh mệnh khác nhau thuộc về các quần thể khác nhau, quần thể của họ trải qua đời đời kiếp kiếp đều đóng vai các nhân vật có liên hệ tương hỗ. Nếu hai sinh mệnh đến từ hai quần thể khác biệt, thì cho dù gặp gỡ trên đường cũng chỉ là đi lướt qua nhau. Còn thân nhân và bạn bè thông thường đều là những sinh mệnh trong cùng một quần thể, hoặc là sinh mệnh ở quần thể phụ cận.
Đặc biệt là quan hệ giữa vợ và chồng. Tiến sĩ Newton phát hiện rằng, rất nhiều người không chỉ là vợ chồng trong kiếp này mà còn có nhân duyên từ tiền kiếp, vào các đời trước họ cũng từng diễn các câu chuyện bi hoan ly hợp. Đơn cử như một người phụ nữ được thôi miên từng là nữ nô lệ thời La Mã, phụ trách việc nấu ăn cho các võ sĩ giác đấu. Trong đó có một võ sĩ mà cô yêu sâu sắc. Vào đêm trước khi bị giết trong trận giác đấu, chàng trai đã nói với cô gái rằng: “Ta vĩnh viễn yêu nàng!”. Mặc dù vào kiếp sống đó hai người âm dương cách trở, nhưng tình yêu mãnh liệt của họ đã xuyên việt thời không, để họ lại được tiếp nối duyên phận trong đời này.
Quay trở lại câu hỏi mà chúng ta đề cập bên trên: Giữa biển người mênh mang này, làm thế nào tìm thấy người trong mệnh của bạn? Tiến sĩ Newton cho hay: Trước khi chuyển sinh linh hồn sẽ đến một nơi gọi là ‘Vòng túc mệnh’ để quan sát và thể nghiệm một số phân cảnh quan trọng trong đời sau, điều này giúp họ tiếp nối duyên phận một cách chính xác.
Trong một trường hợp nọ, có vị nam tử trước khi chuyển sinh đã được yêu cầu ghi nhớ một số tín hiệu quan trọng về người vợ tương lai Melinda, bao gồm tiếng cười và đôi mắt tuyệt đẹp của nàng, cũng như mùi hương nước hoa trên người nàng trong lần đầu tiên họ khiêu vũ. Còn Melinda khi chuyển sinh lại được yêu cầu phải nhớ kỹ vành tai to của người chồng tương lai, điệu nhảy vụng về của anh khi giẫm lên chân nàng, và cảm giác đặc biệt khi họ khiêu vũ trong vòng tay nhau.
Khi kiếp sống này bắt đầu, chàng sống ở bang Iowa, còn nàng sống ở California nước Mỹ. Thời cấp 3 chàng trai đã định kết hôn với cô bạn gái thời trung học. Nhưng vận mệnh tự có an bài, gia đình anh bất ngờ chuyển đến California, buộc anh phải chia tay với bạn gái. Vừa mới đến California, chàng trai không quen biết ai nhưng lại đột nhiên cảm thấy thôi thúc muốn đi dự vũ hội. Và trong chính vũ hội ấy, anh đã yêu Melinda ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trong một lần thôi miên, chàng trai nhận ra rằng một vị trưởng lão của thế giới tinh thần đứng ra làm Nguyệt Lão, đưa ý nghĩ đi tham dự vũ hội vào đầu anh, để anh thuận lợi gặp được Melinda. Quả thực, điều chúng ta thấy chỉ là trùng hợp, nhưng hết thảy đều là do Thiên ý.
Mọi cuộc gặp gỡ trong đời đều là duyên phận. Hy vọng mỗi chúng ta đều trân trọng những người xung quanh, trân trọng người đang cùng ta chia ngọt sẻ bùi cho đến cuối cuộc đời.
Theo Phù Dao – Epoch Times
Minh Tâm biên dịch
NTD Việt Nam