Trong văn hóa tín ngưỡng Đạo giáo, Trương Thiên Sư đã cưỡi hổ để xua đuổi tà ma cho người dân. (Ảnh: Tổng hợp)
Nói đến Đạo giáo, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Lão Tử, nhưng thực ra, Lão Tử chỉ để lại lý luận. Sự lưu truyền và phát triển của Đạo giáo chính là nhờ công lao của bốn vị Thiên Sư: Trương Đạo Lăng, Cát Huyền, Hứa Tốn và Cát Thủ Kiên. Câu chuyện truyền kỳ về bốn vị Thiên Sư vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay. Năng lực siêu phàm của những vị Thiên Sư này khiến người đời không ngừng tán thưởng.
Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện về bốn vị Thiên Sư, xem họ đã tạo ra những câu chuyện thần kỳ ấy như thế nào.
Đá cứng cắt ra tìm được ngọc,
Đãi hết cát bụi mới thấy vàng.
Không phải người đời Tiên khí ít,
Chỉ bởi tâm Tiên khác nhân tâm.
Từ xưa đến nay, trên con đường tu Đạo, với những khả năng như “bạch nhật phi thăng” (bay lên giữa ban ngày), cưỡi rồng, cưỡi hổ, trường sinh bất lão, ăn đào Tiên, có khả năng thiên biến vạn hóa, vượt nóc băng tường… mọi người thường cho rằng Thần Tiên luôn tiêu diêu tự tại, thoải mái vui vẻ. Nhưng cũng có câu rằng: “Chịu được cái khổ trong những cái khổ, mới là người vượt trên mọi người”. Câu này có nghĩa là: để trở thành những vị Thần tiên tiêu diêu tự tại như vậy, trước đó họ đã phải chịu rất nhiều cái khổ. Trên con đường tu Đạo trong quá khứ còn có một quy tắc, đó là sẽ không có ai giảng rõ cho chúng ta mọi việc, tất cả đều phải do tự mình ngộ ra.
Dưới đây là câu chuyện nhất đại Thiên Sư của Đạo giáo, Trương Thiên Sư Trương Đạo Lăng khảo nghiệm đệ tử Triệu Thăng bằng 7 khảo nghiệm: rượu, nữ sắc, tiền tài, tức giận…. Nếu bạn nghĩ bản thân cũng có thể vượt qua những khảo nghiệm này, có lẽ cảnh giới của bạn cách Thần Tiên đã không còn xa nữa.
Chân nhân Trương Thiên Sư nhận đồ đệ
Tương truyền Trương Thiên Sư có pháp lực thần thông quảng đại, có mấy trăm người từ khắp nơi đến xin làm đệ tử. Thế nhưng, chỉ có một mình Vương Trường nhận được chân truyền của Trương Thiên Sư, vì thế những đệ tử khác thường cảm thấy tức giận bất bình, thường ở sau lưng gièm pha chuyện này. Những đệ tử này cho rằng Trương Thiên Sư thiên vị, không muốn truyền Pháp cho đệ tử. Thế nhưng, họ không biết rằng, việc tu luyện chính là sư phụ tìm đồ đệ chứ không phải đồ đệ tìm sư phụ. Sư phụ sẽ nhìn xem phẩm chất của đệ tử có phù hợp với việc tu luyện hay không. Chỉ khi có đủ đức hạnh thì mới có thể truyền Đạo Pháp.
Một ngày nọ, Trương Thiên Sư nói với chúng đệ tử rằng: “Tục khí của các con vẫn chưa hết, làm sao có thể đạt đến cảnh giới siêu phàm thoát tục. Nhưng các con theo ta cũng sẽ thu được lợi ích. Ta sẽ dạy cho các con phép trường sinh. Phép này đã tốt hơn người thường rất nhiều rồi. Thế nên các con không cần phải tức giận bất bình, nói rằng ta thiên vị. Đến ngày mồng 7 tháng giêng năm sau, sẽ có một người đến từ phía đông. Người này thân hình không cao, mặt vuông, trên người mặc một chiếc áo lông chồn. Đó chính người ở trong Đạo, không hề thua kém Vương Trường. Lúc đó các con hãy xem, người này không giống với người thường”.
Chúng đệ tử nghe được những lời này của Trương Thiên Sư, vẫn cảm thấy bán tín bán nghi, trong lòng có nhiều điểm nghi hoặc.
Khảo nghiệm thứ nhất
Chớp mắt đã đến ngày mồng 7 tháng giêng. Đến giữa trưa, Trương Thiên Sư gọi Vương Trường đến và nói rằng: “Sư đệ của con đến rồi”.
Sau đó, Trương Thiên Sư nói nhỏ, dặn dò Vương Trường phải làm thế nào thế nào. Vương Trường vừa ra khỏi cổng, quả nhiên nhìn thấy một người từ xa đi tới. Quần áo và tướng mạo giống hệt như Trương Thiên Sư đã nói. Vương Trường bèn nói với những đệ tử khác rằng: “Sư phụ định mang Đạo Pháp truyền cho người này. Khi anh ta đến cổng, các đệ nhớ kỹ không được báo tin cho sư phụ. Nếu anh ta kiên trì đứng đợi, không chịu rời đi, các đệ có thể mắng chửi. Nói chung là không được để cho anh vào, như vậy có thể anh ta sẽ không chịu được mà phải rời đi”.
Những đệ tử này nhìn nhau, âm thầm vui mừng: “Được rồi, chẳng phải là sư phụ sẽ truyền Đạo Pháp cho anh ta mà không truyền cho chúng ta sao! Hãy xem chúng ta giải quyết anh ta như thế nào”.
Khi người kia đến cổng, đã báo tên tuổi: “Tôi họ Triệu tên Thăng, là người Ngô quận. Bởi vì ngưỡng mộ Trương Thiên Sư có Đạo Pháp cao thâm, nên đến đây xin yết kiến”.
Các đệ tử thờ ơ trả lời: “Sư phụ của chúng tôi đi vân du rồi, không có ở nhà. Chúng tôi cũng không thể tự ý cho anh ở lại”.
Sau khi nói xong, họ liền tản ra, giả vờ đi chỗ khác, rồi bám vào khe cửa trộm nhìn xem Triệu Thăng phản ứng thế nào. Không ngờ Triệu Thăng lại cung kính đứng đợi đến tối. Đến tối các đệ tử đóng cổng, giả vờ như không nhìn thấy Triệu Thăng. Triệu Thăng cũng không tức giận, ngủ ngoài trời cả đêm.
Sáng sớm hôm sau, khi mở cổng ra, các đệ tử khác đã nhìn thấy Triệu Thăng đứng trước cổng, cung kính hành lễ, nói rằng muốn gặp Trương Thiên Sư. Các đệ tử bèn nói rằng: “Chúng tôi nói thật với anh, chúng tôi hầu hạ thầy đã mười mấy năm nay, nhưng thầy vẫn không truyền Đạo Pháp cho chúng tôi, làm sao có thể truyền cho anh được”.
Triệu Thăng trả lời: “Truyền hay không truyền cho tôi, điều này là do Thiên Sư tự mình quyết định. Nhưng tôi đi một quãng đường xa đến đây xin được gặp, chỉ muốn gặp Thiên Sư một lần, cũng đã thỏa mãn lòng kính ngưỡng đối với Thiên Sư”.
Các đệ tử lại nói: “Sư phụ của chúng tôi quả thật không ở nhà, cũng không biết khi nào mới trở về. Anh cứ mù quáng đợi ở đây như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này”.
Trên mặt của những đệ tử này lộ ra một nụ cười châm biếm. Triệu Thăng nói: “Lần này tôi thành tâm thành ý đến đây. Nếu Thiên Sư mười ngày sau mới trở về, tôi tình nguyện chờ mười ngày. Một trăm ngày mới trở về, tôi sẽ đợi một trăm ngày”.
Các đệ tử có nói thế nào người này cũng không thay đổi, nét mặt vẫn luôn cung kính, nhưng nhất quyết không chịu rời đi. Điều này khiến các đệ tử khác rất tức giận, trong lòng thầm nghĩ: “Không xử lý được anh ta sao”.
Sau đó chúng đệ tử dùng cách khác, bắt đầu nói chuyện không lịch sự nữa, thậm chí còn xem Triệu Thăng giống như kẻ ăn xin, nói ra rất nhiều lời khó nghe. Không ngờ rằng Triệu Thăng cũng không hề tức giận, quyết tâm đứng đợi ở đó. Mỗi ngày cứ đến giữa trưa, Triệu Thăng sẽ đi kiếm một chút đồ ăn, còn lại cả ngày lẫn đêm, cho dù là gió mưa bão bùng, vẫn cứ đứng đợi trước cổng.
Một ngày nọ, Trương Thiên Sư gọi các đệ tử đến, nói rằng: “Triệu Thăng đã đứng đợi ở cổng 40 ngày rồi, các con mắng chửi cũng đủ rồi, hôm nay có thể cho Triệu Thăng vào gặp mặt”.
Như vậy, Triệu Thăng đã qua được khảo nghiệm đầu tiên.
Khảo nghiệm thứ hai
Khảo nghiệm thứ hai sử dụng một phương pháp mềm dẻo hơn, đó chính là mỹ nhân kế. Mặc dù Triệu Thăng đã trở thành đệ tử của Trương Thiên Sư, nhưng tu Đạo không phải là ngồi uống trà, đọc báo, có những ngày tháng nhàn hạ. Chớp mắt đã vào mùa xuân, Trương Thiên Sư sai Triệu Thăng đến trông coi ruộng lúa mạch. Triệu Thăng đến đó, nhìn thấy dưới chân núi chỉ có một túp lều tranh, ngoài ra chỉ có cánh đồng lúa mạch rộng mênh mông. Ở ngọn núi lớn này, không có người nào sinh sống, còn dã thú thì ở khắp nơi. Vì vậy Triệu Thăng thường xuyên phải đuổi chim thú, không để chúng ăn lúa mạch. Từ sớm đến tôi, Triệu Thăng đều chăm chỉ làm việc, không dám lười biếng chút nào.
Vào một đêm nọ, trăng sáng vằng vặc, chiếu rõ khắp nơi, Triệu Thăng đang ngồi một mình trong lều. Đột nhiên có một người con gái vô cùng xinh đẹp bước vào, mở lời chào Triệu Thăng rồi ngước mắt lên nói rằng: “Tôi là con gái nhà nông ở thôn Tây, theo chị em đi ngắm trăng. Vừa nãy ở trong ruộng đã tách khỏi chị em, bị lạc đường ở nơi hoang dã này nên tôi rất sợ, thấy túp lều phía bên này nên vội đến đây. Hai chân của tôi đau nhức, mềm nhũn cả rồi, không thể đi nổi. Xin anh thương xót, cho tôi ở lại một đêm, nếu vậy thật vô cùng biết ơn”.
Chưa đợi Triệu Thăng mở miệng, người con gái ấy đã đi đến trước giường của Triệu Thăng, nằm xuống ngủ, miệng vẫn còn rên rỉ, than đau chân. Triệu Thăng nhìn thấy bộ dạng của cô gái đau chân rất đáng thương nên cũng đành để cô gái ngủ lại. Sau đó,Triệu Thăng rải một đám cỏ trên đất, mặc nguyên quần áo, ngủ dưới đất ngoài trời một đêm.
Đến ngày hôm sau, cô gái vẫn nói đau chân, lấy hết lý do này đến lý khác, không chịu đi, còn làm ra vẻ đáng thương, xin Triệu Thăng nấu nước pha trà, tiếp tục chăm sóc cho cô ta. Đến tối, người con gái này, cởi bỏ quần áo nằm trên giường. Lúc này cô gái còn đưa ra một yêu cầu quá đáng hơn nữa, muốn Triệu Thăng giúp cô ta đắp thêm chăn, thêm áo. Việc làm này có ý nghĩa gì, lẽ nào muốn Triệu Thăng biến thành xấu xa, trở thành người háo sắc.
Nhưng Triệu Thăng hoàn toàn không có suy nghĩ này, anh thấy cô gái này càng lúc càng quá đáng, liền dứt khoát đi ra khỏi lều, ngồi ở ngoài, không thèm nhìn cô gái một cái.
Cứ như thế, cô gái vẫn không chịu đi. Đến ngày thứ 4, đột nhiên không thấy cô gái đâu nữa. Thế nhưng trên tường lại có 4 câu thơ: “Sắc đẹp ai chẳng ham, lòng chàng như sắt đá, tuổi trẻ không vui hưởng, phí hoài cả trăm năm”.
Sau khi Triệu Thăng nhìn thấy, trong lòng anh hiểu rằng, đây lại là một khảo nghiệm lớn của mình. Triệu Thăng cười lớn tiếng, nói rằng: “Tuổi trẻ vui hưởng lạc, có thể được bao lâu, trăm năm vội qua mau, mới là đời uổng phí”.
Nói xong, Triệu Thăng thuận tay tháo giày, rồi dùng đế giày xóa sạch những chữ trên tường. Sắc đẹp đã không thể làm Triệu Thăng động lòng.
Khảo nghiệm thứ ba
Vậy chúng ta hãy thử xem tiền tài có thể khiến Triệu Thăng động tâm hay không. Có người sẽ nói rằng 80 hay 100 quan tiền, thì có ai xem trọng chứ, nhưng nếu là một hầm vàng thì sao?
Chớp mắt, đã đến mùa thu, Trương Thiên Sư sai Triệu Thăng ra sau núi đốn củi. Triệu Thăng nhìn thấy một cây đại thụ đã chết khô. Trong lòng anh mừng thầm, anh nghĩ mình gặp được món hời lớn rồi, chỉ cần chặt cái cây này mang về cũng đủ để nhóm lửa, nấu cơm suốt cả mùa thu rồi. Triệu Thăng vừa chém được mấy nhát, thì nghe một tiếng rầm, gốc cây cũng bật lên. Triệu Thăng mừng thầm, chỉ dễ dàng như vậy đã đốn ngã được cái cây này. Triệu Thăng vui vẻ đi quanh gốc cây một vòng. Nhưng không ngờ rằng, dưới gốc cây lộ ra những thỏi vàng sáng bóng. Triệu Thăng bước đến, dùng tay đẩy hết đất ở trên, số vàng hiện ra càng ngày càng nhiều.
Sau khi kiểm tra, Triệu Thăng phát hiện cả một hầm dưới đất đều là vàng. Lúc này Triệu Thăng nghe trên không trung, có tiếng nói rằng, đó là Ông Trời thưởng cho Triệu Thăng. Trong lòng Triệu Thăng chợt chấn động, có chút mơ hồ. Bỗng có một con quạ bay qua, kêu hai tiếng quạc quạc khiến Triệu Thăng đột nhiên bừng tỉnh. Triệu Thăng nghĩ: “Bây giờ mình đã là một người xuất gia, cũng không có chỗ nào để dùng số vàng này. Mình cũng không có công lao gì, làm sao có thể nhận ban thưởng của Trời được”.
Thế rồi, Triệu Thăng mau chóng dùng đất đắp lại hố vàng, khiêng số củi đã chặt xong xuống núi.
Khảo nghiệm thứ tư
Trên đường đi, chợt cảm thấy buồn ngủ, Triệu Thăng nằm nghỉ bên đường rồi ngủ gật một lát. Bỗng có một cơn gió lạnh thổi đến khiến Triệu Thăng bừng tỉnh, chỉ nghe thấy hai tiếng gầm lớn. Ở trong hẻm núi, có ba con hổ nhảy ra. Một con nhảy nhảy bổ vào Triệu Thăng, miệng ngậm chặt cổ áo phía sau. Triệu Thăng không chút hoảng sợ, nói với con hổ rằng: “Triệu Thăng ta đời này không làm những chuyện hổ thẹn với lương tâm, hôm nay ta đã vứt bỏ thế tục nhập Đạo, không ngại đường xá xa xôi, đến tìm minh sư, muốn được trường sinh bất lão. Nếu kiếp trước ta nợ các ngươi, đời này các ngươi ăn ta, ta cũng không sợ hãi lảng tránh. Nếu không phải như vậy, các ngươi hãy mau rời khỏi đây, đừng ở đây làm phiền ta”.
Ba con hổ kia nghe thầy thì vô cùng ngoan ngoãn, cúi đầu bỏ đi. Triệu Thăng nghĩ: “Đây nhất định là do Thần Tiên khảo nghiệm ta. Sống chết có số cả, ta có gì phải sợ”.
Sau đó anh gánh củi trở về.
Khảo nghiệm thứ năm
Đến mùa đông, Trương Thiên Sư dặn dò Triệu Thăng đến chợ mua mười cuộn lụa. Triệu Thăng trả tiền xong, bèn cầm lụa đi. Ông chủ tiệm vải liền chảy ra nói rằng Triệu Thăng kẻ trộm. Triệu Thăng chỉ nhớ rằng những cuộn lụa này là sư phụ cần nên cũng không tranh cãi với ông chủ, mang chiếc áo lông chồn, áo bông trên người đưa cho người bán lụa, cuối cùng hoàn thành được nhiệm vụ mà sư phụ giao. Khi Triệu Thăng đưa lụa đến trước mặt Trương Thiên Sư, Trương Thiên Sư bấm tay tính toán, sớm đã biết đầu đuôi mọi chuyện, cảm khái nói rằng: “Không tiếc tài vật của bản thân, không tranh luận với hiểu lầm của người khác, quả thật rất khó làm được”.
Khảo nghiệm thứ sáu
Có một lần, Triệu Thăng chăm sóc một người ăn mày, toàn thân lở loét, vô cùng hôi thối. Triệu Thăng mang thức ăn và quần áo của mình cho người ăn mày, còn giúp người ăn mày tắm rửa, đi vệ sinh. Vết thương của người ăn mày cũng dần dần lành lại. Bỗng một ngày nọ, người ăn mày đột nhiên không lời từ biệt, không có lấy một câu cảm ơn mà ra đi. Triệu Thăng cũng không hề oán trách.
Khảo nghiệm thứ bảy
Khảo nghiệm khó qua nhất của người tu luyện có lẽ chính là tin tưởng tuyệt đối vào sư phụ, buông bỏ sinh tử. Điều này không phải chỉ nói miệng là được, mà chính là khi gặp phải sự việc, mới có thể thấy rõ ràng
Vào đầu mùa hè, Trương Thiên Sư triệu tập các đệ tử, cùng lên đỉnh núi Thiên Trụ. Thầy trò nhìn thấy ở trên vách núi dựng đứng có một cây đào. Những trái đào trên cây đỏ mọng, giống như một người giơ cánh tay ra muốn người khác đến hái, thế nhưng phía dưới lại là vực sâu vạn trượng. Thiên Sư nói với các đệ tử rằng: “Ai có thể hái đào, ta sẽ dạy bí quyết tu Đạo cho các người đó”.
Mỗi người đều thử nhảy lên hái đào nhưng đến bên vách núi, hai chân liền run rẩy, không dám động đậy. Lúc này, Triệu Thăng nói: “Sư phụ lệnh cho ta hái đào, nhất định sẽ có cách có thể hái được”.
Thế rồi, Triệu Thăng ngắm chuẩn vị trí của cây đào rồi nhảy xuống, vừa đúng chỗ cây đào. Triệu Thăng hái được đào, sau đó ném lên trên. Thiên Sư tự mình đón lấy. Thiên Sư lại hỏi: “Các con có ai có thể kéo Triệu Thăng lên?”.
Trong các đệ tử không có ai dám tiến đến. Lúc này, Trương Thiên Sư thi triển pháp thuật, trong chớp mắt cánh tay dài ra 2 đến 3 trượng, vươn thẳng đến chỗ cây đào đưa Triệu Thăng trở về. Trương Thiên Sư cười với các đệ tử rằng: “Triệu Thăng có tâm ngay chính, nên có thể rơi đúng vào cây đào. Ta cũng muốn đi xuống, nếu như tâm chính, cũng có thể hái được trái đào to”.
Các đệ tử đều khuyên ngăn rằng: “Sư phụ tuyệt đối không được xuống! Triệu Thăng không lên được, Ngài có thể đón lên. Nhưng nếu sư phụ có chuyện gì, chúng con làm sao cứu được Ngài”.
Chỉ có Vương Trường và Triệu Thăng không nói gì cả. Thiên Sư không nghe lời khuyên can, liền nhảy xuống vách núi. Các đệ tử đều vươn cổ ra nhìn, trên cây đào không có Trương Thiên Sư, còn ở dưới là vách núi sâu không thấy đáy. Các đệ tử nghĩ rằng, chắc Trương Thiên Sư đã chết rồi, có người không kiềm được liền rơi nước mắt. Triệu Thăng nói với Vương Trường: “Sư phụ nhảy xuống vách núi, sống chết không rõ. Chi bằng chúng ta cùng nhảy xuống xem sao, xem sư phụ rơi tới đâu rồi”.
Thế rồi hai người Vương Trường và Triệu Thăng cùng nhảy xuống. Không ngờ rằng, thân thể hai người nhẹ như bay, rơi vào trong một đám mây. Còn Trương Thiên Sư đang đứng trước mặt họ, cười tít mắt nói với Triệu Thăng và Vương Trường rằng: “Ta biết các con sẽ theo ta”.
Nói xong, ba người cùng bay lên. Trải qua bảy lần khảo nghiệm, Triệu Thăng cuối cùng cũng trừ bỏ hết tục khí, nhập Đạo đắc Pháp.
Giống như trong bài thơ:
Thế nhân mở miệng nói Thần Tiên
Mắt thấy người nào lên Cửu Thiên?
Không phải Tiên gia không có thực
Chỉ e khó thấy Đạo tâm bền
Vị Thiên Sư thứ hai trong Đạo giáo – Cát Thiên Sư – Ngoan Đồng Thiên Sư, có những Đạo thuật và pháp thuật như thế nào, mới quý độc giả đón đọc bài tiếp theo.
Wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam