(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Văn hóa đời Đường bác đại tinh thâm, rực rỡ xán lạn, có thể nói là đã đạt đến đỉnh cao nhất nền văn hóa cổ đại của Trung Quốc.
Phục sức
Từ xưa khi các bậc đế vương và các đại thần thượng triều nghị chính, cúng tế Trời đất và tổ tiên đều có những lễ nghi và lễ phục khác nhau, rất nhiều lễ tiết và phục sức xa hoa. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, uy chấn tứ phương, cổn phục và mũ miện nạm vàng rũ ngọc, nghi trượng hộ vệ ngựa xe vô số, long trọng không gì sánh nổi. Các đế vương đời sau cũng thi nhau nghĩ ra các ý tưởng độc đáo càng thêm hào nhoáng xa xỉ, xe cộ phục sức của các đế vương và bách quan thời Hậu Ngụy, Bắc Tề đã đạt đến mức kỳ dị, thật đúng là nhà dột từ nóc dột xuống. Vào những năm đầu thời kỳ Trinh Quán, Đường Thái Tông đã loại bỏ hoàn toàn nếp sống xa hoa lãng phí này, hàng năm chỉ có hai ngày là ngày đầu năm và ngày đông chí khi lên triều nhận chúc mừng của các đại thần và đại lễ cúng tế mới mang cổn phục và mũ miện, bình thường khi thị triều nhiếp chính nhà vua đều mang thường phục. Thường phục của Thái Tông gồm có một chiếc áo bào màu vàng và đỏ, một chiếc khăn chít đầu, một cái đai lưng cửu hoán, một đôi giày lục hợp, chỉ có vậy thôi. Dần dần văn võ bách quan cũng lặng lẽ noi theo, thậm chí đến cả các cung nữ và các sĩ nữ cũng ưa chuộng cách ăn mặc này. Về sau phong cách cung đình này đã truyền khắp cả thành thị đến thôn làng, vậy nên đàn ông nhà Đường đều dùng khăn vấn đầu, mũ ô sa và áo bào làm phục sức hàng ngày.
Theo ghi chép trong “Lễ Ký – Thâm Y”: “Thâm Y của người xưa có quy định rõ ràng, ứng với quy củ, thằng quyền hoành (công cụ đo đạc thời cổ đại). Ngắn không thấy da, dài không chạm đất”. Kỳ thực cho dù trang phục qua các thời đại của Trung Quốc có biến hóa thế nào đi nữa, thì cũng không ngoài hai kiểu: một là phân thành hai phần trên và dưới, trang phục mặc ở phần thân trên gọi là “Y”, mặc ở phần thân dưới gọi là “Thường”, nên có cách nói “trên y dưới thường”; loại nữa là phần y và thường nối liền nhau, gọi là “Thâm y”, áo bào nhà Đường chính là y phục được phát triển trên cơ sở của thâm y.
Trang sức đội đầu và phục sức của nam nhân
Khăn vấn đầu là một loại khăn lụa dùng để quấn đầu, khác biệt chủ yếu là ở hai chân khăn. Loại hai chân mỏng nhẹ, mềm mại rũ xuống thì gọi là “khăn vấn chân mềm”; loại hai chân tròn hoặc rộng, giống như đôi cánh cứng hơi vểnh lên thì gọi là “khăn vấn chân cứng”. Đến những năm cuối nhà Đường thì nó đã biến thành một chiếc mũ hoàn toàn.
Mũ ô sa vốn là loại mũ được các quan viên triều đình dùng khi lâm triều, xét xử và tiếp đãi khách khứa, nhưng nó cũng lưu hành rộng rãi trong các nho sinh và ẩn sĩ, mỗi kiểu dáng đều có ưu điểm riêng, nhưng mới lạ vẫn được chú trọng hơn.
Trừ các nghi lễ cúng tế ra, quan viên và sĩ thứ đều mang áo bào cổ tròn. Áo bào của quan viên thường dùng màu sắc để phân biệt cấp bậc, trong những năm Trinh Quán quy định các quan viên từ tam phẩm trở lên mang màu tím, tứ phẩm mang màu đỏ, ngũ phẩm mang màu đỏ nhạt, lục phẩm mang màu xanh thẫm, thất phẩm mang màu xanh lục nhạt, bát phẩm mang màu xanh lam đậm, cửu phẩm mang màu xanh lam nhạt. Vì Hoàng đế dùng màu đỏ thẫm và màu vàng, vậy nên quan dân đều không được dùng những màu này. Võ Tắc Thiên trong năm Diên Tái thứ nhất (năm 694), đã ban cho quan văn được thêu chim trên áo bào, áo bào quan võ được thêu thú. Như áo bào tể tướng có phượng trì, áo bào của thượng thư có đôi nhạn, áo bào tướng quân thì theo cấp bậc mà có sư tử, kỳ lân, hổ, báo, chim ưng v.v., còn các thân vương thì có bàn long và hươu.
Trang sức đội đầu và trang sức đeo tay của nữ nhân
Phụ nữ nhà Đường thích búi tóc cao, những loại thường thấy gồm có búi cao, búi mây, búi bán phiên, búi vọng tiên, búi rũ hai bên v.v., rất đa dạng. Trên búi tóc thường được cố định bằng các đồ trang sức như trâm thoa, rồi cài lên các vật trang sức trên đầu như lược, hoa tươi, hoa cài đầu bằng ngọc, nạm vàng.
Trâm vốn được gọi là kê “笄”, khi nữ nhân cài kê thì phải cử hành “Kê lễ”, biểu thị đã đến tuổi thành niên. Hình dáng của kê thường dẹt dài và có một chân, được làm từ các vật liệu như vàng, bạc, ngọc, xương, trúc, vỏ trai, và thường có một đầu to một đầu nhỏ, đầu to thường được khắc hoa, hình thú, khảm ngọc nạm vàng. Chiếc “trâm lông bói cá” tinh xảo được lưu truyền cho đến ngày nay là được làm bằng cách đính những chiếc lông vũ của chim bói cá vào một cái trâm vàng, sắc màu lộng lẫy tươi tắn ngàn năm trước của nó vẫn còn giữ được đến nay, câu thơ: “Cốt thích hồng la bị, hương niêm thúy vũ trâm” của Mạnh Hạo Nhiên thời Đường chính là nói đến vật này.
Thoa thường là loại hai chân, được làm bằng vàng, bạc và ngọc. Trên đầu thoa người ta còn điểm xuyết thêm cành hoa, viên ngọc có thể lắc động được, khi đi đường thì không ngừng lắc lư theo “một bước ba lắc”, nên gọi là “bộ dao”. Bộ dao của phụ nữ nhà Đường thường được tạo hình chim chóc hoặc phượng hoàng, trong miệng ngậm chuỗi ngọc, khi di chuyển chuỗi ngọc sẽ theo đó lắc lư theo.
Thoa son đánh phấn là một bước quan trọng trong trang điểm của phụ nữ. Kiểu trang điểm thịnh hành thời Đường là “trang điểm đỏ”, cũng được gọi là trang điểm hoa đào, tức là thoa một lớp phấn trắng lên mặt trước, sau đó thoa lên chút sáp đỏ, tiếp đến là vẽ lông mày, khảm hoa lên trán, điểm lúm đồng tiền trên khóe miệng, tô đỏ huyệt thái dương, rồi thoa son môi, như thế việc trang điểm mới được xem là hoàn thành.
Nhẫn, vòng tay, băng tay, ngọc bội, túi thơm là những trang sức không thể thiếu của phụ nữ nhà Đường. Nhẫn ngoài việc làm trang sức và tránh rủi ra thì còn có thể làm tín vật kết hôn, phong tục nam nữ tặng nhẫn cưới khi kết hôn ngày nay được bắt nguồn từ thời cổ đại này. Băng tay là một loại trang sức ở cánh tay do một chuỗi nhiều vòng tay liên kết với nhau, cũng được gọi là “đào thoát”. Ngọc bội và túi thơm thì cả nam lẫn nữ đều thích đeo bên mình, trong túi thơm thường bỏ một loại cây hương liệu quý gọi là huân thảo, nên túi thơm cũng được gọi là túi huân.
Phục sức của phụ nữ
Trang phục của phụ nữ nhà Đường chủ yếu là áo đoản nhu tay áo nhỏ, váy dài và áo choàng lụa.
Đoản nhu là một loại áo ngắn và tay áo dài, áo chỉ dài đến thắt lưng, chất liệu may áo và kiểu dáng thay đổi theo mùa. Chất liệu thường thấy gồm có lụa sống, the, lụa màu, lụa mỏng, gấm v.v.; sự thay đổi về kiểu dáng chủ yếu ở cổ áo và ống tay, cổ áo bao gồm cổ tròn, cổ vuông, cổ chéo, cổ thẳng, cổ trái tim và không cổ v.v.; tay áo thì có hai dạng là tay áo hẹp và tay áo rộng.
Đoản nhu có tay áo ngắn gọi là “bán tí”. Hầu hết áo bán tí được thêu dệt từ gấm, chất vải dày dặn, ống tay rộng, có thể mặc bên ngoài đoản nhu, vừa đẹp mắt lại có thể chống lạnh.
Áo cánh là y phục mùa hè, là một loại áo mỏng không có lớp lót xuất hiện sau thời nhà Hán. Áo cánh thời nhà Đường thường có tay áo lớn và cổ áo rộng, may bằng lụa the, nhẹ tựa mây khói, mỏng tựa cánh ve, thấp thoáng thấy da.
Chế độ nhà Đường có quy định phụ nữ thường dân phải quàng khăn lụa khi ở nhà, xuất giá rồi thì khoác khăn choàng. Khăn lụa thường có chất liệu bằng vải, nhìn chung có thể phân thành hai loại: một loại có bản khá rộng chiều dài ngắn, quàng qua vai như chiếc áo choàng; một loại bản hẹp lại thuôn dài, quấn quanh hai cánh tay đón gió bồng bềnh như một dải ruy băng. Còn khăn choàng thường hẹp và dài diễm lệ, thường làm bằng vải sa tanh dày mịn, trên có thêu hoa văn, dưới treo ngọc rũ, nên không thể bồng bềnh theo gió như khăn lụa được.
Váy của phụ nữ thường rộng rãi, được làm từ ít nhất là sáu mảnh vải (tương đương hơn ba mét ngày nay), nên có cách nói là “Thướt tha sáu mảnh như dòng Tương Giang”; eo váy cao đến phần ngực, váy dài chạm đất. Màu sắc của váy có đỏ, vàng, xanh lam, xanh lá tùy sở thích, trong đó váy màu đỏ là được ưa chuộng nhất. Trương Vị có câu thơ rằng: “Váy thạch lựu trên ngựa hoa đào”, là miêu tả mỹ nữ mang váy đỏ cưỡi ngựa hoa đào (loài ngựa có lông trắng điểm đỏ). Vì sao lại nói váy đỏ thành “váy thạch lựu” chứ? Thì ra loại váy đỏ này là được nhuộm bằng màu sắc được chiết luyện từ bông hoa lựu, vậy nên mới có cái tên mỹ miều như vậy.
Sau khi trang điểm chải chuốt, áo váy chỉnh tề xong, phong thái thanh lịch nhã nhặn của phụ nữ Đại Đường đã được thể hiện trọn vẹn. Có thể nói “mỗi cái cau mày, mỗi nụ cười đều hiển lộ sự dịu dàng xinh đẹp, mỗi ánh mắt mỗi cái nhìn đều toát lên phong thái”, khiến người ta trong từng cử chỉ bước chân, bộ dao đung đưa, tay áo thanh thoát, khăn lụa bồng bềnh, váy dài thướt tha, ngọc bội leng keng, hương thơm ngây ngất, cứ như tiên nữ hạ phàm, trở thành hình mẫu để phụ nữ qua các thời đại và các nước xung quanh hướng đến và noi theo.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29328
Ngày đăng: 12-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org