Đức Phật Thích Ca thuyết Pháp. (Tổng hợp từ Wikipedia)
Thực ra Phật đang đợi cơ duyên này thành thục, nên muốn về nước thuyết Pháp, thứ nhất báo ân Phụ vương, thứ hai thực hiện lời thề xưa – thành Đạo sẽ quay về. Đức Phật bèn bảo Ưu Đà Di về báo Phụ vương trước, Phật bảy ngày sau sẽ tới; đồng thời Phật hiển thần thông biến hóa, làm chúng nhân càng thêm kính ngưỡng. Ưu Đà Di nhận mệnh quay về, dùng Thần Túc Thông, khoảnh khắc đã tới Ca Tỳ La Vệ quốc.
(Xem lại: Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7; Phần 8; Phần 9; Phần 10; Phần 11; )
Sau khi Thế Tôn thành Đạo sáu năm, Phụ vương ôm lòng thương nhớ, rất muốn gặp lại. Thế là vua sai Ưu Đà Di đi trước đến thỉnh mời. Ưu Đà Di là người thông minh tuyệt đỉnh, khi Thế Tôn còn là Thái tử thì Ưu Đà Di vẫn thường theo hầu Thái tử, nay phụng chiếu chỉ tới nơi ở của Đức Phật. Ưu Đà Di đem lời Phụ vương nói qua một lượt, thấy Thế Tôn thần uy trang nghiêm, có Thiên Thần hộ vệ, Thánh chúng bao quanh, cũng là duyên phận đã tới, nên xin Thế Tôn cứu độ, cho xuất gia nghe Pháp tu học, thành A La Hán.
Thực ra Phật đang đợi cơ duyên này thành thục thì sẽ về nước thuyết Pháp, thứ nhất báo ân Phụ vương, thứ hai thực hiện lời thề xưa: thành Đạo sẽ quay về. Đức Phật liền bảo Ưu Đà Di về báo Phụ vương trước, Phật bảy ngày sau sẽ tới; đồng thời Phật hiển thần thông biến hóa, làm chúng nhân càng thêm kính ngưỡng. Ưu Đà Di nhận mệnh quay về, dùng Thần túc thông, khoảnh khắc đã tới nước Ca Tỳ La Vệ.
Ưu Đà Di đứng trong không trung phía trên thành, đại hiển thần thông biến hóa, quả là không thể nghĩ bàn, đọc thi kệ trôi chảy, ca tụng uy đức của Phật, kể rõ những điều mình đã trải qua.
Phụ vương cùng chúng thần dân hết sức vui vẻ, thấy rằng Ưu Đà Di vừa mới quy y, liền thành Đạo quả, đã có thần thông trí huệ không thể nghĩ bàn, đồ đệ mới nhập môn mà như vậy thì Đức Phật không biết đến mức nào? Lòng kính ngưỡng trong tâm mọi người bất giác dâng trào. Đến ngày thứ 7, Quốc vương trang phục uy nghiêm, dẫn đầu văn võ bá quan cùng vạn dân chúng theo sau, ra ngoài thành 40 dặm để nghênh đón Thế Tôn, dọc đường quét dọn khang trang, hai bên cờ phướn hương hoa cúng dường.
Không lâu sau, Thiên Thần hộ tống Đại Hùng Thế Tôn thân vàng kim cao sáu trượng; đệ tử thánh tăng nghìn vị trước sau, uy quang hiển hách tiến nhập quốc cảnh. Cảnh đẹp điềm lành, tràn khắp nơi nơi, làm đại chúng kính ngưỡng phủ phục bái lạy. Phụ vương và quần thần cùng Thế Tôn vào trong thành, hỏi thăm lẫn nhau, tiếp thụ Phật Pháp, Tịnh Phạn Vương lập tức ngộ Đạo.
Đại Hùng Thế Tôn về nước truyền Pháp, khắp nơi đều được giáo hóa, hàng vạn người họ Thích đều tin vào Nhân Quả, y theo giáo Pháp mà phụng hành, người đắc Đạo rất nhiều.
Phụ vương thấy 1250 vị đệ tử La Hán theo Phật, đều xuất thân từ ngoại Đạo tu hành khổ hạnh, nên thân gầy guộc, đứng bên Phật vóc dáng phương phi thì trông không vừa mắt, vua liền cho chọn trong các gia đình hoàng tộc 500 vị phẩm mạo đoan chính, xuống tóc xuất gia theo bên Thế Tôn.
Vậy là, con thứ của Tịnh Phạn Vương, Tôn Đà La Nan Đà (em trai Phật), con của nhị đệ Bạch Phạn Vương, A Nan (cũng gọi A Nan Đà) và Điều Đạt (cũng gọi Đề Bà Đạt Đa), con của tam đệ Hộc Phạn Vương, A Na Luật (cũng gọi A Ngai Lâu Đà), con trai của tứ đệ Cam Lộ Phạn Vương, Bạt Đề cho đến con em tông thất như Quân Đồ Na, Ưu Ba Ni và các công hầu khanh tướng đều nguyện thoát tục, cầu Đạo quả, cùng nhau theo Phật xuất gia. Còn có dì của Thái tử là Ma Ha Ba Tô Ba Đề cũng xin được xuất gia.
Thoạt đầu, Đức Phật không đồng ý, dì kiên định ba lần khẩn cầu, Phật mới cho phép. Nguyên do là nữ nhân xuất gia sẽ phát sinh nhiều phiền phức, đây là điều mà Đức Phật đã biết trước. (Sau này ngoại Đạo muốn phá hoại Phật Pháp, cho phụ nữ đã có bầu giả ý xuất gia, để vu cáo, miệt thị sự thanh tịnh nhà Phật, rất nhiều sự tình phát sinh). Do dì có lòng khẩn thiết cầu Đạo, gian khổ tu hành, thêm ân nuôi dưỡng, nên không thể cự tuyệt, đành chấp nhận xuất gia.
Do việc này mà Phật chế định 8 điều giới luật cho Ni cô, gọi là Ni Bát Kính, Ni chúng tuân thủ Bát Kính, có thể hiển dương chính Pháp dài lâu.
Sau khi dì xuất gia, rất nhiều cung phi cùng ái thê Da Du Đà La cũng nối gót xuất gia, về sau đều thành quả vị A La Hán. Vậy là Ca Tỳ La Vệ trở thành miền tịnh thổ của Phật giáo.
Vào thời gian này, có rất nhiều sự việc xuất gia của Vương tộc được ghi lại, sơ lược lấy vài sự kiện:
Người em của Thế Tôn là Nan Đà sau khi xuất gia, đến bái kiến một vị tỳ kheo, vị này là người hầu trong cung trước đây, Nan Đà nghĩ: “Đây là gia nhân trước đây, sao có thể nhận lễ bái của ta?” vậy nên dùng dằng không lễ bái. Phật thấu hiểu ý của Nan Đà, nên nói: “Nan Đà! Phật Pháp là bình đẳng, đâu có phân tôn ti cao thấp như thế tục. Tất cả đều là đệ tử, chỉ dựa vào xuất gia trước sau mà sắp xếp thứ tự trưởng ấu mà thôi, chuyện giàu nghèo sang hèn trước đây đều không để ý”. Thế là lấy “Xuất gia trước sau làm thứ tự trưởng ấu” làm quy định của Pháp môn.
Con trai của Thái tử, La Hầu La (sinh ra sau khi Thái tử xuất gia), là người được Da Du hết mực yêu chiều. Khi Da Du chưa xuất gia nhập Đạo, có một hôm, Phật bảo Tôn giả Mục Kiền Liên đến vương cung khai thị cho phu nhân Da Du, cho La Hầu La xuất gia làm sa di.
Thoạt đầu Da Du tránh mặt, lệnh con yêu trốn lên lầu cao. Mục Kiền Liên dùng thần thông bay đến trước mặt bà, khuyên nhủ: “Tình mẫu tử có lúc phải tận, học Đạo chứng quả, vĩnh ly sinh tử khổ, vĩnh viễn không còn cái khổ của biệt ly.”
Tôn giả nói đến ba lần, Da Du phu nhân trong tâm hiểu rõ, nhưng nghĩa nặng tình sâu, cuối cùng không buông xả được.
Phụ vương và người dì đều hiểu rõ Pháp lý, đến khuyên nhủ, nhưng Da Du không thuận theo, còn nói: “Khi con còn ở nhà, tám nước đến sính lễ cầu hôn, con đều không đáp ứng, chỉ hứa hôn với Thái tử, vì Thái tử tài đức hơn người. Nếu biết có ngày Thái vứt bỏ ân tình, vào chốn rừng sâu, thì con sao có thể hứa hôn? Hôm nay Thái tử lại muốn chia lìa mẫu tử, con quyết không nghe.”
Lúc đó, Phật hiện ra ngay trước mặt, nói với Da Du: “Nàng còn nhớ nhân duyên kiếp trước của chúng ta không? Lúc đó ta tu Đạo Bồ Tát, mua hoa của nàng cúng Phật, nàng tới hẹn ước với ta đời đời kiếp kiếp là vợ chồng. Ta nói: ‘Ta đã thề tu Bồ Tát Đạo, tất cả đều có thể xả, thí, nàng có thể đồng ý làm vậy không?’ lúc đó nàng đã phát thệ, theo chồng xả thí, tuyệt không hối tiếc, cùng tu Thánh Đạo, để cầu giải thoát. Vậy sao hôm nay vẫn si tình không buông xả?”
Lúc này, phu nhân bỗng nhận rõ nhân duyên quá khứ, liền đem La Hầu La phó thác cho Tôn giả Mục Kiền Liên, đem xuất gia. Tịnh Phạn Vương cũng lệnh 50 vị cháu con quý tộc cùng theo xuất gia.
Thế là Phật cho A Nan xuống tóc cho 51 người, cho Xá Lợi Phất làm thầy dạy, về sau đều chứng Thánh quả, trong đó La Hầu La là đệ tử đức hạnh bậc nhất. Hai vị em của Phật là A Na Luật và Bạt Đề, đều là con trai được yêu quý trong nhà. A Na Luật muốn xuất gia, xin phép mẹ, mẹ kiên quyết không đáp ứng, năn nỉ ba lần, mẹ nói: “Nếu mẹ Bạt Đề đồng ý cho Bạt Đề xuất gia, thì ta cũng đồng ý cho con xuất gia”
Thế là A Na Luật đi gặp Bạt Đề thương lượng, ban đầu Bạt Đề không buông nổi tình cảm thế tục, do A Na Luật kiên trì thuyết phục, nên Bạt Đề hỏi muốn hưởng phúc thêm một năm nữa, xong mới xuất gia có được không? Na Luật nói: “Nhân mệnh vô thường, Phật Pháp khó gặp”.
Thế nên Bạt Đề giảm thời gian từ một năm xuống còn 7 ngày, Na Luật đồng ý.
Sau 7 ngày, Bạt Đề yêu cầu mẹ cho xuất gia, bà cũng như mẹ của Na Luật, nói rằng: “Nếu Na Luật xuất gia thì bà cũng chấp thuận cho Bạt Đề, vậy nên cả hai người đều đồng thời xuất gia”.
Một đêm, Bạt Đề ngồi dưới gốc cây tu học, bất giác nói to: “Vui thay! vui thay!”
Phật sai người gọi tới hỏi, Bạt Đề đáp: “Ngày trước khi con ở nhà, xung quanh có thị vệ đao kiếm nghiêm ngặt, nhưng trong tâm thường lo lắng. Nay một mình nơi quang đãng, phóng khoáng vui vẻ, thản nhiên vô ưu, nên cao giọng nói to thôi!”
Về sau hai vị đều thành Thánh quả, A Na Luật là đệ nhất Thiên nhãn.
(Còn tiếp)
Thái Bình
Theo Vision Times
NTD Việt Nam