[ChanhKien.org]
Ngoài Cửu bộ kỹ, Thập bộ kỹ, Tọa bộ kỹ, Lập bộ kỹ, vũ điệu cung đình thời Đường còn có “Kiện vũ” và “Nhuyễn vũ”. Kiện vũ là múa võ, Nhuyễn vũ là múa văn.
Trong “Giáo phường ký” của Thôi Lệnh Khâm thời Đường nói rằng: “Những vũ điệu như ‘Thùy thủ la, Hồi ba nhạc, Lan Lăng Vương, Xuân Oanh, Bán xã, Cừ tá tịch, Điểu dạ đề’ thuộc về Nhuyễn vũ. Các vũ điệu như ‘A liêu, Chá chi, Hoàng, Phất lâm, Đại vị châu, Đạt Ma’ thuộc về Kiện vũ.” Theo thống kê, thời Đường có 11 vũ điệu thuộc Kiện vũ và 13 vũ điệu thuộc Nhuyễn vũ.
Các vũ điệu tiêu biểu của Kiện vũ gồm có “Kiếm khí vũ”, “Hồ toàn vũ”, “Hồ đằng vũ” và “Chá chi vũ”.
Vũ điệu “Kiếm khí vũ” có động tác khỏe đẹp, khí thế hào hùng, mang đặc tính của võ thuật. Vào thời nhà Đường, Công Tôn đại nương là nữ vũ công múa điệu kiếm khí giỏi nhất. Bài thơ “Quan Công Tôn đại nương đệ tử vũ ‘Kiếm khí’ hành” của thi nhân nổi tiếng thời Đường Đỗ Phủ ghi lại cảnh Công Tôn đại nương múa kiếm, khiến người đọc có thể cảm nhận được khí thế mạnh mẽ, bừng bừng hùng tráng:
“Tích hữu giai nhân Công Tôn thị,
Nhất vũ kiếm khí động tứ phương.
Quan giả như sơn sắc tự tang,
Thiên địa vi chi cửu đê ngang.
Thước như nghệ xạ cửu nhật lạc,
Kiểu như quần đế tham long tường.
Lai như lôi đình thu chấn nộ,
Bãi như giang hải ngưng thanh quang”.
(Trích bài thơ ‘Quan Công Tôn đại nương đệ tử vũ kiếm khí hành’ – Đỗ Phủ)
Tạm dịch:
Xưa kia có người đẹp họ Công Tôn,
Mỗi khi múa điệu kiếm khí, rung động cả bốn phương.
Người xem vững như núi cũng khiếp đảm,
Trời đất theo nhịp múa đó mà lên cao xuống thấp.
Kiếm chớp sáng như Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời,
Oai phong như các vị Thần cưỡi rồng lượn.
Thế đến như sấm sét thu hết cơn giận dữ,
Thế dừng như sông bể đọng ánh sáng trong.
Vũ điệu “Hồ toàn vũ” có nguồn gốc từ Khang Cư quốc ở Tây Vực, do các vũ nữ hiến tặng cho Hoàng đế nhà Đường vào những năm cuối thời Thiên Bảo. Vì sao lại gọi là Hồ toàn vũ? Tương truyền rằng, vì vũ điệu này có nhịp điệu nhanh, vui tươi, hơn nữa có nhiều động tác xoay tròn liên tục do dùng bàn chân di chuyển, nên được gọi là Hồ toàn (旋 toàn: xoay chuyển). Trong “Thông điển – Quyển nhất tứ lục” thời Đường có ghi: “Điệu múa xoay chuyển như gió, nên thường gọi là Hồ toàn”.
Nhạc khí đệm nhạc cho vũ điệu “Hồ toàn vũ” chủ yếu là trống. Cùng lúc với tiếng trống, tiếng đàn vang lên, vũ nữ nhảy điệu Hồ toàn nâng hai tay áo lên cao nhanh chóng nhảy múa: “Hồi tuyết phiêu dao chuyển bồng vũ, tả tuyền hữu chuyển bất tri bì, thiên tạp vạn chu vô dĩ thì.” [1] Đây là những câu thơ miêu tả thiếu nữ múa điệu Hồ toàn vũ. Động tác xoay chuyển nhanh như những bông tuyết bay nhẹ nhàng, thấp thoáng trong không trung, như cỏ bông mềm mại múa theo chiều gió. Nữ vũ công xoay chuyển mãi không hề mệt mỏi, xoay tròn vô số vòng rồi vẫn chưa dừng lại.
Lúc này, “Nhân gian vật loại vô khả bỉ, bôn xa luân hoãn toàn phong trì” [2], không có vật gì trên đời này có thể so sánh với những vòng xoay của các nàng. Ngay cả bánh xe chạy như bay cũng đều cảm thấy chậm hơn, thậm chí cả cơn gió xoáy cũng thua kém hơn một chút. Trong điệu múa xoay vòng, khán giả có thể nhận ra rằng “Vạn quá kỳ thùy biện thủy chung, tứ tọa an năng phân bối diện” (Nàng múa muôn vàn vòng ai có thể phân biệt trước–sau, người ngồi xem bốn bề không thể biết đâu là mặt đâu là lưng nàng). Ngay cả người xem cũng bị làm cho hoa mắt, không thể phân biệt được đâu là phía mặt đâu là phía lưng của những thiếu nữ đang múa điệu Hồ toàn. Trên các bức bích họa trong hang động Quy Tư và Đôn Hoàng ở Tân Cương, có rất nhiều hình ảnh các vũ nữ đang xoay tròn. Hai mũi chân của họ bắt chéo nhau, tay trái đặt trên hông và tay phải nâng lên cao. Những dải lụa màu sắc trên thân tung bay uốn lượn. Làn váy cũng xoay theo uốn thành những đường vòng cung, vô cùng mỹ lệ.
Sau khi “Hồ toàn vũ” từ Tây Vực du nhập vào Trung Nguyên, đã trở thành một trong những vũ điệu được ưa chuộng nhất trong thời đó, thịnh hành trong khoảng 50 năm. Sủng phi Dương Quý Phi và sủng thần người Hồ An Lộc Sơn của Đường Huyền Tông là những người múa điệu Hồ toàn giỏi nhất. Tương truyền rằng điệu múa Hồ toàn của Dương Quý Phi có sự biến hóa khôn lường, khiến cho Đường Huyền Tông mê mẩn.
Cả nam và nữ đều có thể biểu diễn được điệu “Hồ toàn vũ”, có thể múa đơn và cũng có thể múa ba hoặc bốn người. Tuy nhiên, vào thời nhà Đường, phụ nữ người Hán có thể múa điệu Hồ toàn, trong khi nam giới người Hán có thân phận thường không múa vũ điệu này.
“Hồ đằng vũ” là một vũ điệu hoàn toàn mang vẻ nam tính, thể hiện tính cách hào phóng, cởi mở của các chàng trai. Vì sao lại gọi là Hồ đằng? Có lẽ vì vũ điệu này dùng những bước nhảy liên tục là chính, các bước nhảy nhanh dồn dập, biến hóa khó lường, nên mới có tên là “Hồ đằng” (腾 đằng: nhảy, nhảy lên). Động tác của Hồ đằng vũ chủ yếu ở phần chân. Các điệu múa cổ đại của vùng Tây Vực nhấn mạnh việc sử dụng nhiều động tác bước chân di chuyển, như đi bộ, tha bộ, toái bộ, đạp bộ, đọa bộ, cùng với các loại bước nhảy khác nhau.
“Chá chi vũ” cũng là một vũ điệu đến từ Tây Vực. Nét đặc trưng của vũ điệu này là nhanh, tư thái thướt tha, biến hóa phong phú, eo lưng mềm mại và thân hình nhẹ nhàng, sôi nổi thanh thoát. Về sau còn xuất hiện một vũ điệu Chá chi đặc biệt. Tuy nhiên, sau này “Chá chi vũ” bắt đầu có sự đổi hướng dần chuyển về phong cách “Nhuyễn vũ”.
Các vũ điệu tiêu biểu của Nhuyễn vũ gồm có “Lục yêu vũ” và “Xuân oanh chuyển”.
Trong “Nhạc phủ tạp lục ký” của thời Đường ghi chép: “Vũ điệu ‘Lục yêu’ (绿腰: eo màu xanh) cũng là một vũ điệu thuộc Nhuyễn vũ”. Vũ điệu này vốn có tên là “Lục yếu” (录要: Ghi chép lại phần quan trọng) hay “Lục yêu” (六幺: sáu điều đặc biệt nhất). Tương truyền rằng vào những năm Trinh Nguyên thời vua Đường Đức Tông, một số nhạc công đã dâng lên một bản nhạc mới, được vua Đức Tông vô cùng yêu thích. Nhưng Đường Đức Tông cảm thấy giai điệu quá dài nên ông đã ra lệnh chắt lọc những phần tinh túy đặc sắc của nó, tức là “Lục xuất yếu giả, nhân dĩ vi danh” (chép lại phần quan trọng, lấy đó làm tên). Sau đó không biết tại sao lại biến thành “Lục yêu” (绿腰) hay “Lục yêu” (六幺), có lẽ đây đều là những tên gọi khác.
Sau khi xuất hiện, nhạc khúc “Lục yêu” đã được lưu truyền rộng rãi. Trong bài thơ “Dương liễu chi” của nhà thơ Bạch Cư Dị có câu: “Khúc ‘Lục yêu’, ‘Thủy điệu’ nhà nhà đều ca”. Về sau, nhạc khúc này được kết hợp với vũ điệu, trở thành điệu múa đơn dành cho nữ, với đặc trưng chính là múa tay áo dài. Từ bài thơ “Trường Sa cửu nhật đăng đông lâu quan vũ” của thi nhân Lý Quần Ngọc thời Đường, có thể hình dung khái quát về tư thế và thần thái của người múa vũ điệu này.
Bài thơ rằng:
Nam quốc hữu giai nhân, khinh doanh Lục yêu vũ.
Hoa diên cửu thu mộ, phi mệ phất vân vũ.
Phiên như lan điều thúy, uyển như du long cử.
Việt diễm bãi tiền khê, ngô cơ đình bạch trữ.
Mạn thái bất năng cùng, phồn tư khúc hướng chung.
Đê hồi liên phá lãng, lăng loạn tuyết oanh phong.
Trụy nhị thì lưu hễ, tu cư dục tố không.
Duy sầu tróc bất trụ, phi khứ trục kinh hồng.
Tạm dịch:
Nước nam có người đẹp, nhẹ nhàng múa điệu Lục yêu.
Tiệc hoa tàn thu, tay áo bay phất nhẹ tựa mây mưa.
Văn nhã như lan, nhanh như chim trả, uyển chuyển như rồng múa.
Đẹp hơn thiếu nữ Việt, hơn cả cô gái Ngô trong tà áo trắng.
Dáng điệu chậm rãi không dứt, tư thế biến hóa khi về cuối.
Xoay chuyển như sen vượt sóng, bay như tuyết trong gió.
Khuyên ngọc rũ xuống đong đưa, vạt áo dài như muốn bay lên không.
Chỉ sợ không giữ được, như cánh chim hồng giật mình bay đi.
Thiếu nữ xinh đẹp trong bộ trang phục múa với ống tay áo dài, nhẹ nhàng chuyển múa. Khi mới bắt đầu, dáng múa thong thả chậm rãi lại biến hóa nhiều tư thế, uyển chuyển như chim trả, như rồng bay lượn, không gì sánh được. Hai ống tay áo của nàng bay lượn như tuyết trong gió, xoay chuyển như bông hoa sen rẽ sóng nhô lên mặt nước. Đến khi sắp kết thúc, tiết tấu vũ điệu đang chậm rãi chuyển sang nhanh, khuyên ngọc lay động, tà áo dài cũng theo đó mà tung bay, như cưỡi gió mà đi, như con chim hồng giật mình bay vút đi.
Đến thời Tống, vũ khúc “Lục yêu” vẫn còn thịnh hành. Văn nhân Âu Dương Tu thời Tống có câu thơ rằng “Tham khán Lục yêu hoa thập bát” (Say xem điệp khúc hoa thập bát của điệu Lục yêu).
Chữ “chuyển” (囀) trong “Xuân oanh chuyển” có nghĩa là giọng hát tươi đẹp tuyệt vời. Theo “Giáo phường ký” thời Đường ghi, Hoàng đế Cao Tông “đã từng ngồi nghe tiếng chim oanh lúc sáng sớm, nên lệnh cho người soạn nhạc khúc là Bạch Minh Đạt viết thành bản nhạc ‘Xuân oanh chuyển’. Về sau, bản nhạc này cũng trở thành bản nhạc múa”. Bạch Minh Đạt là một âm nhạc gia rất nổi tiếng thời bấy giờ của Quy Tư quốc (thành phố Kuchar, thuộc Tân Cương ngày nay), nên tác phẩm âm nhạc của ông mang phong cách của Quy Tư.
Lời miêu tả trong bài thơ “Pháp khúc” của thi nhân Nguyên Chẩn đã khẳng định nhạc khúc “Xuân oanh chuyển” là thuộc Hồ khúc, tức là theo làn điệu của các dân tộc thiểu số.
Bài thơ “Pháp khúc” viết:
“Tự tòng hồ kỵ khởi yên trần, mao mạo tinh thiên mãn hàm lạc.
Nữ vi hồ phụ học hồ trang, kỹ tiến hồ âm vụ hồ nhạc.
Hỏa phượng thanh thẩm đa yết tuyệt, xuân oanh chuyển bãi trường tiêu tác.”
Tạm dịch:
Từ khi ngựa người Hồ dấy lên khói lửa, thành Hàm Dương, Lạc Dương chìm trong sợ hãi, tanh hôi.
Phụ nữ mặc phục trang người Hồ, làm người Hồ, vũ nữ hát tiếng Hồ, diễn nhạc Hồ.
Bài ‘Hỏa phượng’ nuốt lặng nghẹn ngào, điệu ‘Xuân oanh chuyển’ đã dừng không còn náo nhiệt.
“Hỏa phượng” là vũ khúc được lưu truyền từ thời Bắc Ngụy, còn “Xuân oanh chuyển” được sáng tác vào thời nhà Đường.
Về hình thức của vũ điệu “Xuân oanh chuyển”, đến nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi chép chi tiết. Trương Hữu, người thời Đường có bài thơ “Xuân oanh chuyển” miêu tả dáng vẻ, thần thái ca múa biểu diễn vũ điệu này trong cung đình: “Nội nhân dĩ xướng xuân oanh chuyển, hoa hạ ta ta nhuyễn vũ lai” (Nàng ca bài ‘Xuân oanh chuyển’, hoa rơi lả tả múa thướt tha).
Các đại khúc thời nhà Đường, còn được gọi là “Pháp khúc”, là một phần quan trọng trong các buổi yến tiệc. Đại khúc là một loại biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn kết hợp giữa nhạc cụ, thanh nhạc và vũ điệu. Kết cấu của đại khúc thường được chia thành ba phần: (1) Tán tự: chủ yếu là dùng nhạc cụ diễn tấu; (2) Trung tự: (phách nhịp, ca hát) dùng ca hát là chính; (3) Phá: là cao trào của toàn bộ màn biểu diễn, dùng vũ điệu là chính. Những đại khúc nổi tiếng gồm có “Nghê thường vũ y vũ”, “Đạp kim liên”, “Ngọc thụ hậu đình hoa”, v.v.
“Nghê thường vũ y vũ” chủ yếu kể về câu chuyện Đường Huyền Tông gặp tiên tử ở Cung trăng, nên vũ điệu uyển chuyển thể hiện hình ảnh tiên nữ thanh nhã, thoát tục. Ngoài ra, trang phục của vũ điệu mang đậm chất mỹ lệ, thanh thoát của tiên nữ:
“Án tiền vũ giả nhan như ngọc,
Bất trước nhân gian tục y phục.
Hồng thường hà bí bộ dao quán,
Điền anh lũy lũy bội san san.”
(Bài thơ ‘Nghê thường vũ y ca hòa vi chi’ – Bạch Cư Dị)
Tạm dịch:
Trước án vũ nữ dung nhan như ngọc,
Xiêm áo chẳng giống nơi phàm tục.
Khăn choàng, váy dài, trâm cài rực rỡ đủ màu,
Chuỗi ngọc lớp lớp tiếng leng keng.
Tương truyền, vũ khúc này được mọi người vô cùng yêu thích, và đã được lưu truyền tới hàng trăm năm. Đại thi nhân Bạch Cư Dị thời Đường đã từng ca ngợi điệu múa này: “Thiên ca vạn vũ bất khả số, tựu trung tối ái nghê thường vũ.” (Tạm dịch: Bài ca vũ điệu nhiều vô kể, hay nhất là điệu Nghê thường).
Thời Đường còn có các vở ca múa kịch, tạp kỹ biểu diễn những nhân vật và tình tiết cốt truyện cụ thể. Những vở ca múa kịch, tạp kỹ này là những vũ điệu nhạc tục dân gian, thường xuất hiện trong các dịp lễ hội và hoạt động giải trí của cung đình. Những vở ca múa kịch nổi tiếng bao gồm “Đại diện” (“Lan Lăng Vương nhập trận khúc”), “Bát đầu”, “Đạp dao nương”, v.v.
Vở ca múa kịch “Đại diện” còn được gọi là “Lan Lăng Vương nhập trận khúc”, có nguồn gốc từ thời Bắc Tề. Lan Lăng Vương Trường Cung của Bắc Tề, không chỉ tài giỏi, oai vũ anh dũng, mà còn có tướng mạo tuấn tú, thường xuyên đeo mặt nạ khi ra trận. Vì vậy, khi biểu diễn vở ca múa kịch này, các vũ công đeo mặt nạ, bắt chước hình ảnh oai hùng của Lan Lăng Vương chỉ huy chiến đấu, ca ngợi chiến tích của ông. Vở ca múa kịch này được biểu diễn và lưu truyền trong thời gian dài mà không hề làm giảm sự yêu thích của người xem.
Vở “Bát đầu” có xuất xứ từ vùng Tây Vực. Nội dung chủ yếu kể về câu chuyện một người Hồ bị mãnh thú ăn thịt, sau đó con trai của người đó lên núi tìm mãnh thú để báo thù.
Vở “Đạp dao nương” được sáng tác vào cuối thời nhà Tùy. Vào thời đó, ở vùng Hà Nội (phía bắc sông Hoàng Hà, Trung Quốc cổ đại) có một người đàn ông dung mạo xấu xí và nghiện rượu, thường tự nhận mình là lang trung (thầy lang), mỗi khi ông say rượu về nhà sẽ đánh vợ. Người vợ của ông xinh đẹp, hát hay, thường ngâm hát những khúc ca oán thán, đau khổ. Người vùng Hà Sóc (phía bắc sông Hoàng Hà, Trung Quốc cổ đại) mỗi khi diễn vở này thường kết hợp với nhạc cụ dây và sáo để thể hiện tâm trạng của người vợ. Khi biểu diễn, người diễn vai người vợ bi thương kể lể, mỗi khi khóc kể sẽ thường đong đưa thân thể, cho nên được gọi là “Đạp dao nương”.
Nhìn chung, âm nhạc và vũ điệu thời Đường không chỉ là sự tổng hợp hoàn chỉnh về mặt nội dung, hình thức, phong cách, kỹ thuật, mà còn là một thời kỳ đỉnh cao. Điều này liên quan mật thiết đến tinh thần khí phách “dung nạp hết thảy, dung hòa mọi thứ” của thời Đường. Hơn nữa, do hầu hết các Hoàng đế thời Đường tôn sùng Phật giáo, hoặc tôn sùng Đạo giáo, nên trong âm nhạc và vũ điệu của thời Đường có không ít vũ điệu mang đậm tính sùng Tiên, kính Đạo. Tiêu biểu như các vũ điệu “Tứ phương Bồ Tát vũ”, “Ngũ phương sư tử vũ”, “Thiên Trúc nhạc”, “Vân Thiều nhạc”, v.v.
Âm nhạc và vũ điệu thời Đường đã lưu lại một trang rực rỡ nhất trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Chú thích: [1], [2] là những câu thơ được trích từ bài thơ ‘Hồ toàn nữ’ của nhà thơ Bạch Cư Dị.
(Bài viết đăng lại theo bản dịch của Epoch Times Tiếng Việt)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43679
ChanhKien.org