Liên quan đến vụ một cán bộ công an ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) bị cáo buộc đã nhổ nước bọt vào một người dân khi đến kiểm tra hành chính và bị người dân ghi lại clip, phóng viên báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư (LS) Trương Anh Tú, trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP.Hà Nội để làm rõ hơn về hành vi này, cũng như thẩm quyền của các cơ quan chức năng nói chung và cơ quan công an nói riêng trong việc khám xét chỗ ở của công dân.
PV: Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip công an phường đến yêu cầu khám xét nhà dân, thậm chí còn sử dụng những lời nói và hành động khiếm nhã. Với cương vị là 1 luật sư ông đánh giá như thế nào về hành động của công an trong clip trên?
LS Trương Anh Tú: Trước hết, theo tôi chúng ta cần phải có biện pháp xác minh, tìm hiểu thật kỹ xem đó có phải là đồng chí công an nhân dân hay không, thứ hai là đồng chí công tác ở đâu, thứ ba là mục đích, yêu cầu của ngày hôm đó là đồng chí công an đi làm gì để từ đó chúng ta mới có thể kết luận được đây có đúng là công an nhân dân và đang thực thi nhiệm vụ hay không. Trong clip, chúng ta ghi nhận có một người mặc sắc phục và người đối thoại là một người phụ nữ (chủ ngôi nhà đó) và trong một bối cảnh là 12h đêm. Bộ luật tố tụng hình sự quy định rằng, chúng ta không khám nhà vào đêm, chỉ khi trong những trường hợp nhất định, vì một lý do bất khả kháng mà không thể trì hoãn được thì chúng ta mới có thể được khám vào ban đêm.
PV: Ông có bình luận gì về hành động nhổ nước bọt vào người dân của vị công an trong clip trên?
LS Trương Anh Tú: Hành động nhổ nước bọt vào người khác được coi là hành động xấu xí và bất kỳ ai thực hiện hành vi đó đều xấu, chưa nói đến việc hành động đó lại là của 1 chiến sỹ công an nhân dân. Và chắc chắn với hành động khiếm nhã này, người công an trong clip sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ phía đơn vị mà đồng chí đó đang công tác.
PV: Với những hành động không đúng như trong clip thì người công an này sẽ phải chịu những mức xử phạt như thế nào thưa ông?
LS Trương Anh Tú: Điều này chúng ta chưa thể kết luận được ngay rằng đồng chí công an phải chịu mức kỷ luật ra sao vì nó còn liên quan đến việc đồng chí này công tác trong lĩnh vực nào. Ví dụ, nếu đồng chí này là cảnh sát khu vực hộ khẩu thì rõ ràng đồng chí này có chức năng đi kiểm tra tạm vắng tạm trú, nhưng nếu đồng chí này lại phụ trách một lĩnh vực khác thì rõ ràng vi phạm sẽ lớn hơn. Nếu như chỉ dừng lại ở việc vi phạm tác phong, thái độ với nhân dân, thì hình thức kỷ luật ở mức vừa phải.
PV: Xin được mở rộng vấn đề ra một chút, ông vui lòng cho biết, trong những trường hợp nào công an có quyền kiểm tra, khám xét nhà dân?
LS Trương Anh Tú: Tất nhiên trong quy định của luật pháp, chúng ta có hình thức khám nhà, khám người, khám đồ vật đề xem rằng có những tài liệu phạm pháp liên quan đến vụ án hay không, hoặc là khám xét các đối tượng bị truy nã. Đây là 1 biện pháp nghiệp vụ, thuộc phạm trù điều tra, mà cứ nhắc đến điều tra thì chúng ta hiểu rằng phải có vụ án. Tuy nhiên, đó là 1 biện pháp tố tụng hình sự trong điều tra vụ án thì chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về khám xét, pháp luật đã có quy định rất rõ về các điều kiện khám xét, chẳng hạn như thẩm quyền ra quyết định khám xét là viện trưởng viện kiểm sát, chánh án tòa án hay là thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và nếu như có lệnh khám xét đó thì chúng ta mới được quyền tiến hành khám xét theo luật định. Trừ một số trường hợp rất hiếm là chúng ta có thể chờ sự phê chuẩn sau trong vòng 24h do tình thế cấp thiết là chúng ta phải khám ngay thì lực lượng công an nhân dân do thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành ký lệnh và sau khi khám xét xong sẽ thông qua viện kiểm sát nhân dân để phê chuẩn.
PV: Vậy trình tự và thủ tục khám xét diễn ra như thế nào thưa ông?
LS Trương Anh Tú: Sau khi có lệnh khám xét được phê chuẩn bởi viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc chánh án, viện trưởng viện kiểm sát hoặc thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì lệnh này sẽ được giao cho cơ quan thực thi như lực lượng cảnh công an nhân dân tiến hành đến địa bàn. Khi khám nhà thì cần có các thành phần như chủ nhà, lực lượng công an nhân dân, tổ trưởng tổ dân phố cùng tham gia chứng kiến và chúng ta cần phải có biên bản khám xét. Trong trường hợp chủ nhà đi vắng nhưng trong trường hợp cấp thiết chúng ta cũng có đầy đủ các thành phần còn lại và có biên bản khám xét.
PV: Thưa ông, theo quy định của pháp luật thì trong khoảng thời gian nào, cơ quan chức năng có quyền khám xét nhà dân?
LS Trương Anh Tú: Về thời gian khám xét cũng như các nghiệp vụ khác trong tố tụng hình sự thì nhà nước sẽ thực hiện vào ban ngày vì nó sẽ thuận tiện cho cả người thực thi công vụ và cho cả nhân dân. Một lý do nữa là nó thể hiện sự minh bạch của hệ thống pháp luật của chúng ta. Song 1 số trường hợp cấp bách chúng ta cũng có thể tiến hành vào ban đêm.
PV: Trong trường hợp bị gây phiền hà, sách nhiễu, người dân có quyền khiếu nại với cơ quan chức năng không thưa ông?
LS Trương Anh Tú: Hoàn toàn có thể. Nếu đồng chí đó công tác ở cấp phường hoặc quận thì nhân dân có thể báo cáo với lãnh đạo công an phường, quận nơi đồng chí đó công tác để xem xét hành vi đó đúng hay sai, và tương tự người công tác ở cấp nào, người dân sẽ có khiếu nại lên cấp đó để cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
PV: Rất cảm ơn những chia sẻ của LS
theo laodong.com.vn
Clip Hay: